Giai đoạn (1959-1978)
Trước ngày 13 tháng 5 năm 1955, ngày thành phố Hải Phòng được hoàn toàn giải phóng, trong Nhà thương chính của thành phố chỉ có khu Hộ sinh với 3 phòng bệnh và phòng khám. Khu hộ sinh của Nhà thương chính chỉ để phục vụ cho vợ con quan chức của bộ máy cai trị cũ.
Từ ngày thành phố được tiếp quản, chính quyền cách mạng đã có nhiều đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và cán bộ. Chị em phụ nữ thuộc thành phần công nông, người lao động đều được đến khám bệnh và sinh đẻ tại Bệnh viện chính.
Tháng 4 năm 1957, trong khuôn khổ hợp tác hữu nghị giữa Chính phủ Tiệp Khắc với nước ta, thành phố Hải Phòng được Chính phủ Tiệp Khắc giúp đỡ xây dựng Bệnh viện Đa khoa Việt Tiệp; cũng từ đó khu Hộ sinh của Nhà thương chính được chuyển thành khoa Sản phụ - Bệnh viện Việt Tiệp. Được sự giúp đỡ hữu nghị có hiệu quả từ xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chuyên gia kỹ thuật, chỉ trong thời gian ngắn, các cán bộ từ bác sĩ, nữ hộ sinh của Bệnh viện đã phấn đấu thực hiện các kỹ thuật chuyên môn vững vàng. Số liệu chuyên môn được lưu trữ, trong năm 1965, khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp đã thực hiện tổng số đẻ 1537 ca, trong đó có 796 ca đẻ khó, mổ lấy thai 132 ca. Cho đến những năm của thập kỷ 70, khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp đã không ngừng lớn mạnh trong phòng trào thi đua XHCN, Tổ đỡ đẻ khó đã xuất hiện như một ngôi sao sáng chói nhất của ngành Y tế Hải Phòng.
Tổ đỡ đẻ khó là một trong bẩy tổ lao động XHCN của thành phố Hải Phòng được Chính phủ công nhận và tặng Cờ thi đua. Năm 1962, Tổ đỡ đẻ khó - khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, đây là vinh dự rất lớn vì toàn miền Bắc ngày ấy mới có 2 tổ công tác Y tế đạt thành tích được tặng thưởng Huân chương Lao động. Nhiệm vụ của Tổ đỡ đẻ khó là tiếp nhận tất cả các trường hợp đẻ khó của các nhà hộ sinh khu phố, các huyện ngoại thành và của một số tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Cẩm Phả, Hồng Gai, Quảng Yên … Cán bộ của Tổ đỡ đẻ khó còn được cử đi tăng cường cho đảo Cát Bà, Cát Hải, huyện Thuỷ Nguyên, khu phố Ngô Quyền …
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Tổ đỡ đẻ khó cùng với toàn khoa Sản chia đôi lực lượng, nửa ở lại nội thành, nửa đến nơi sơ tán thuộc huyện An Lão. Nhiệm vụ chuyên môn lúc này không giới hạn trong công tác khám chữa bệnh sản phụ khoa, mà đồng thời tổ chức cấp cứu chiến thương và người bị nạn trong công cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ.
Những thành tích công tác của khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp đã được ghi nhận: Tổ đỡ đẻ khó năm 1972 một lần nữa được tặng thưởng cao hơn: Huân chương Lao động hạng Nhì và cho đến năm 1977 được công nhận 22 năm liên tục đạt danh hiệu Tổ lao động XHCN.