II. BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HẢI PHÒNG.
1. Giai đoạn 1978-1988:
2. Giai đoạn 1988-1998.
3. Giai đoạn 1998-2008:
LÃNH ĐẠO CÁC TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ QUA CÁC THỜI KỲ
1. TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN.
Chủ tịch CĐBV khóa I, II Chủ tịch CĐBV khóa II, III
Nhà Hộ sinh của Bệnh viện chính thành phố Hải Phòng
Ảnh: Chuyên gia Tiệp khắc cùng cán bộ Bệnh viện
Trước ngày 13 tháng 5 năm 1955, ngày thành phố Hải Phòng hoàn toàn giải phóng, khu Hộ sinh Nhà thương chính của Thành phố chỉ để phục vụ cho vợ con quan chức của bộ máy cai trị cũ. Sau khi tiếp quản Thành phố, chính quyền cách mạng đã đầu tư cơ sở vật chất, bổ sung cán bộ để phục vụ nhân dân Thành phố. Chị em thuộc các tầng lớp xã hội đều được đến khám chữa bệnh và sinh để tại đây.
Sau kháng chiến chống Pháp thắng lợi, ngày 11 tháng 6 năm 1956 Chính phủ Tiệp Khắc đã ký Nghị định thư viện trợ y tế cho Chính phủ Việt Nam xây dựng tại Hải Phòng một Bệnh viện Đa khoa hiện đại.
Ngày 01 tháng 4 năm 1957, bệnh viện được khởi công xây dựng. Ngày 29 tháng 01 năm 1959, bệnh viện được khánh thành. Từ đó, khu Hộ sinh Nhà thương chính trở thành khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp. Được sự giúp đỡ chí tình, hiệu quả từ cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, chuyên gia kỹ thuật của Chính phủ Tiệp Khắc, chỉ trong thời gian ngắn, đội ngũ bác sĩ, nữ hộ sinh khoa Sản – Bệnh viện Việt Tiệp đã thực hiện các kỹ thuật chuyên môn vững vàng. Năm 1965, khoa Sản – Bệnh viện Việt Tiệp đã thực hiện tổng số 1537 ca đẻ, trong đó có 796 ca đẻ khó, mổ lấy thai 132 ca. Những năm tiếp theo, đội ngũ bác sĩ, y sỹ, nữ hộ sinh khoa Sản – Bệnh viện Việt Tiệp đã không ngừng phấn đấu, học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, y đức, đẩy mạnh phong trào thi đua XHCN. Tổ Đỡ đẻ khó đã trở thành một điển hình tiến tiến sáng nhất của ngành Y tế Hải Phòng. Không chỉ thực hiện các ca đỡ đẻ khó trong Thành phố, Tổ Đỡ đẻ khó còn tiếp nhận tất cả các ca đẻ khó của các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận như Hải Dương, Thái Bình, Kiến An, Hồng Gai, Cẩm Phả,… Cán bộ Tổ Đỡ đẻ khó còn được cử đi tăng cường cho các huyện, cho đảo Cát Bà, Cát Hải,…
Với những thành tích đạt được, Tổ Đỡ đẻ khó được vinh danh là một trong bẩy tổ lao động XHCN của thành phố Hải Phòng được Chính phủ công nhận và tặng Cờ thi đua. Năm 1962, Tổ Đỡ đẻ khó - khoa Sản - Bệnh viện Việt Tiệp được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Đây là niềm vinh dự rất lớn, niềm tự hào chẳng những của cán bộ, y bác sĩ, hộ sinh Tổ Đỡ đẻ khó mà còn là niềm tự hào của đội ngũ cán bộ, y bác sĩ ngành Y tế Hải Phòng, vì, toàn Miền Bắc ngày ấy mới có 2 tổ công tác y tế được tặng thưởng Huân chương Lao động.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, Tổ Đỡ đẻ khó cùng với toàn khoa Sản chia đôi lực lượng, nửa ở lại nội thành, nửa sơ tán đến huyện An Lão. Nhiệm vụ chuyên môn lúc này không giới hạn trong công tác khám chữa bệnh sản phụ khoa, mà đồng thời tổ chức cứu thương cho cả cán bộ chiến sĩ, nhân dân bị thương, bị nạn trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ghi nhận những đóng góp của Tổ Đỡ đẻ khó trong giai đoạn này, năm 1973, một lần nữa Tổ Đỡ đẻ khó khoa Sản Bệnh viện Việt Tiệp vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì.
Từ sau chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra Miền Bắc, bộ phận sơ tán của khoa Sản trở về hợp nhất cùng bộ phận trong nội thành thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản bà mẹ, trẻ sơ sinh, kế hoạch hóa gia đình. Những năm tiếp theo, đặc biệt là sau giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước (1975), số lượng người bệnh đến khám bệnh, chữa bệnh tại khoa Sản tăng lên nhanh chóng. Thời điểm này, khoa Sản – Bệnh viện Việt Tiệp đã khẳng định được là đơn vị có trình độ chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành sản – phụ khoa phát triển nhất khu vực duyên hải Bắc Bộ nên,khoa Sản không chỉ tiếp nhận người bệnh của thành phố mà còn phải thường xuyên tiếp nhận bệnh nhân của các tỉnh lân cận.Vì vậy, yêu cầu đặt ra là cần phải có một bệnh viện chuyên khoa làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ sơ sinh của thành phố và khu vực.
Từ thực tế khách quan đó, tháng 01 năm 1978, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã ban hành Quyết định số 105/QĐ-VX thành lập Bệnh viện Phụ sản và Trẻ sơ sinhViệt Tiệp Hải Phòng, gọi tắt là BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HẢI PHÒNG. Bệnh viện chính thức hoạt động từ 01/7/1978.
Theo Quyết định thành lập của UBND Thành phố, Bệnh viện có quy mô 150 giường bệnh (tăng 70 giường so với khoa Sản – Bệnh viện Việt Tiệp), có 96 cán bộ nhân viên; có 3 phòng chứ năng, 8 khoa lâm sàng và 2 khoa cận lâm sàng. Cơ sở vật chất bao gồm khu nhà cũ của khoa Sản và Trạm SĐKH, nay thêm ngôi nhà của Trạm Mắt. Trang thiết bị y tế được thêm một máy Xquang D700 do Sở Y tế điều về từ Bệnh viện Kiến An. Nhiệm vụ của Bệnh viện được xác định: khám chữa bệnh về sản - phụ khoa; chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ sơ sinh; thực hiện dịch vụ kỹ thuật KHHGĐ và là cơ sở thực tập, đào tạo cho bộ môn sản – phụ khoa của phân hiệu Đại học Y khoa Hải Phòng.
Ban Giám đốc đầu tiên của Bệnh viện gồm:
- Giám đốc: Giáo sư Lê Điềm
- Phó Giám đốc: Bác sĩ Hoàng Thúy Sơn – Phụ trách công tác chỉ đạo tuyền và SĐKH
- Phó Giám đốc: Đồng chí Nguyễn Văn Thư – Phụ trách hậu cần
GS.TS Đặng Hồi Xuân, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp
đến cắt băng khánh thành Trung tâm Sản Phụ khoa - Sinh đẻ có kế hoạch
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng được thành lập, là Bệnh viện chuyên khoa phụ sản địa phương đầu tiên ở Miền Bắc (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội – 1979, Phụ sản Nam Hà – 1984, Phụ sản Thanh Hóa – 1989). Những khó khăn thách thức thời kỳ đầu không nhỏ:
- Về cán bộ: Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhiều cán bộ, đa phần là những cán bộ có trình độ, kinh nghiệm công tác của Miền Bắc phải chia sẻ cho Miền Nam để tiếp quản và xây dựng cơ sở y tế ở phía Nam. Những cán bộ mới được Bệnh viện tiếp nhận phần lớn là can bộ trẻ, chưa có kinh nghiệm công tác, trình độ chuyên môn còn hạn chế.
- Về cơ sở vật chất, trang thiết bị: Trong khoảng 10 năm Bệnh viện chỉ xây thêm được khu nhà dược. Trang thiết bị y tế hầu như không được bổ sung, những thiết bị cũ theo thời gian bị hư hỏng.
- Về đời sống: đất nước chịu ảnh hưởng nặng nề sau chiến tranh. Các nguồn viện trợ của các nước XHCN không còn là bao, nội lực hạn chế do sự trì trệ của cơ chế bao cấp, kinh tế sa sút, đời sống vô cùng khó khăn, lòng người cũng có khi mệt mỏi, suy giảm niềm tin. Kinh phí Nhà nước cấp cho Bệnh viện eo hẹp, chưa có cơ chế thu viện phí, hoạt động của Bệnh viện nhiều khi tưởng như bất lực vì thiếu thốn. Cán bộ nhân viên phải lo chạy vạy, làm thêm việc khác để cuộc sống đỡ khó khăn…
Nhưng nhu cầu về khám chữa bệnh và các nhiệm vụ của Bệnh viện thì ngày một tăng cao. Số lượng khám bệnh năm 1988 tăng gấp đôi so với năm 1978; số nạo hút tăng gấp 3, số ca đẻ tăng gần 2 lần; số phẫu thuật (loại I, II) tănggấp 3 lần, đặc biệt số lượng xét nghiệm cận lâm sàng tăng từ 5 đến 7 lần. Đội ngũ cán bộ cũng phát triển nhanh chóng, từ 11 bác sĩ chưa có học hàm, học vị sau đại học, sau 10 năm, Bệnh viện đã có 1 giáo sư, 3 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 14 bác sĩ chuyên khoa cấp I, 27 bác sĩ chuyên khoa sơ bộ, 2 dược sĩ chuyên khoa cấp I; đã tổ chức 7 Hội nghị khoa học với 201 đề tài nghiên cứu khoa học.
Sau mười năm đi vào hoạt động, dù gặp vô vàn khó khăn thách thức, nhưng với sự đoàn kết, đồng lòng, sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo, cùng với nghị lực vượt khó khăn của tập thể CBNV, Bệnh viện đã từng bước phát triển, quy mô Bệnh viện đến năm 1988 có 250 giường bệnh (tăng 100 giường) với 318 cán bộ nhân viên. Tỷ lệ giường bệnh phụ khoa, KHHGĐ đã tăng lên ngang bằng với sản khoa. Đã thành lập khoa sản bệnh lý để điều trị tích cực trước sinh và sản bệnh lý sau đẻ; thành lập khoa Sơ sinh để chăm sóc trẻ sơ sinh và điều trị trẻ sơ sinh bệnh lý. Bệnh viện cũng đã có liên khoa xét nghiệm huyết học, sinh hóa, tế bào di truyền, giải phẫu bệnh lý, phòng điện quang lý liệu pháp.
Thành tựu nổi bật trong thời kỳ này là Bệnh viện đã thực hiện chương trình lồng ghép từ thành phố xuống quận huyện công tác phụ khoa với công tác kế hoạch hóa gia đình. Bệnh viện đã xây dựng được gần 100 điểm dịch vụ KHHGĐ liên xã, đủ điều kiện kỹ thuật đặt vòng, hút điều hòa kinh nguyệt. Bệnh viện đã cử 560 lần bác sĩ xuống làm việc ngắn ngày tại các xã. Yếu tố thực hiện tốt dịch vụ KHHGĐ đã góp phần đưa thành phố Hải PHòng dẫn đầu toàn quốc về công tác DS-KHHGĐ, góp phần giảm tỷ xuất sinh, ổn định dân số, góp phần ổn định tình hình kinh tế xã hội thành phố.
Ghi nhận thành tích của Bệnh viện, Hội đồng Nhà nước đã tặng thưởng Bệnh viện Huân chương Lao động hạng Nhì (1985) và Tổ Đỡ đẻ khó Huân chương Lao động hạng Nhất (1988).
PHẦNTHỨ HAI
“ĐỔI MỚI”
(1989-1998)
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, chưa kịp ổn định kinh tế, đất nước ta lại tiếp tục bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam (1978), biên giới phía Bắc (1979), tình hình kinh tế xã hội của đất nước sa sút, khủng hoảng, lạm phát, đạo đức xã hội xuống cấp nghiêm trọng đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của mỗi người dân, trong đó có cán bộ, đảng viên, đội ngũ thầy thuốc… Những vấn đề chung của xã hội đã tác động tiêu cực vào Bệnh viện, nhiều vấn đề không lường hết được: kinh phí khó khăn, cơ sở vật chất trang thiết bị xuống cấp, đời sống cán bộ nhân viên khó khăn, sự lẫn lộn trắng đen, sự tiêu cực trong mối quan hệ giữa nhân viên y tế với người bệnh. Dù Ban lãnh đạo Bệnh viện đã có nhiều nỗ lực nhưng hoạt động Bệnh viện chậm được cải thiện do những tác động của kinh tế xã hội.
Năm 1986, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đã đổi mới toàn diện đất nước, đưa đất nước vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đất nước đổi mới, hội nhập, kinh tế xã hội có những thay đổi tích cực, mối quan hệ đối ngoại được mở rộng, những thành tựu về y tế của các nước tiến tiến cũng dẫn được chuyển giao và ứng dụng tại Việt Nam. Là Bệnh viện chuyên khoa hàng đầu của khu vực duyên hải Bắc Bộ, bắt nhịp với sự thay đổi của xã hội Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cũng dần có những bước chuyển mình và đổi mới.
Về bộ máy lãnh đạo: Giáo sư Lê Điềm chuyển công tác về Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Đức Lâm, Phó Giám đốc bệnh viện được bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện (tháng 4/1989). Bác sĩ Nguyễn Tân Quang được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc chuyên môn. Đồng chí Nguyễn Công Vinh làm Phó Giám đốc hậu cần (thay đồng chí Nguyễn Văn Thư từ năm 1984).
Để đổi mới và hòa nhập với sự phát triển của xã hội, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện thời kỳ này đã xác định 3 vấn đề trọng tâm cần giải quyết:
Một là: tăng cường công tác đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng thành tựu y học mới, hiện đại nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ.
Hai là: đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế
Ba là: tạo nguồn thu ngoài phần ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động của Bệnh viện và từng bước nâng cao đời sống cán bộ viên chức.
Tuy nhiên, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện cũng xác định: để giải quyết được ba vấn đề trọng tâm trên, Bệnh viện phải làm tốt công tác chính trị tư tưởng, giữ vững sự ổn định, tạo niềm tin cho cán bộ viên chức, ngăn chặn sự xuống cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị; đảm bảo chất lượng công tác khám chữa bệnh.
BSCC Nguyễn Đức Lâm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện phát biểu khai mạc Lễ Kỷ niệm 15 năm thành lập Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng và Trung tâm BVSKBMTE-KHHGĐ.
Thực hiện nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, Bệnh viện lựa chọn ba hình thức đào tạo: đào tạo tại chỗ, cử đi học tập trung và học bổ túc nghiệp vụ chuyên sâu. Thường xuyên Bệnh viện có từ 10 – 15% số biên chế được đi học. Ngoài học chuyên môn còn học chính trị, ngoại ngữ, tin học, quản lý nhà nước. Công tác đào tạo thường xuyên, đào tạo lại cũng được duy trì đều đặn cho các đối tượng bác sĩ, y tá, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên xét nghiệm, dược tá … Việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn và năng lực công tác của y, bác sĩ đã giúp cho Bệnh viện nâng cao chất lượng chuyên môn, sử dụng hiệu quả trang thiết bị y tế mới và bước đầu thực hiện các kỹ thuật khám chữa bệnh viện đại. Cũng từ việc học tập thường xuyên chế độ công tác chuyên môn, tổ chức sinh hoạt chuyên môn, bình bệnh án mà việc chấp hành quy chế chế độ công tác chuyên môn Bệnh viện ngày càng tốt hơn, chất lượng hồ sơ bệnh án được nâng cao rõ rệt.
Tòa nhà Cận lâm sàng được Bệnh viện đầu tư xây dựng năm 1993 nay đã dỡ bỏ để xây dựng Trung tâm Sơ sinh 9 tầng.
Về cơ sở vật chất, Bệnh viện được Thành phố quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị. Dự án cải tạo xây dựng lại Bệnh viện được chính thức phê duyệt tháng 6 năm 1993. Chương trình cải tạo xây dựng Bệnh viện được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 xây dựng cơ sở cho khu vực các khoa cận lâm sàng; giai đoạn 2 xây dựng cho khu vực các khoa lâm sàng. Việc cải tạo xây dựng Bệnh viện được thực hiện đồng thời với việc Bệnh viện tiếp tục duy trì đảm bảo công tác khám chữa bệnh, trong khi số lượng bệnh nhân vẫn tăng lên. Chính điều này đã tạo ra khó khăn không nhỏ trong quá trình khám, chữa bệnh do diện tích mặt bằng Bệnh viện hạn chế, môi trường xây dựng làm ô nhiễm Bệnh viện. Về trang thiết bị, Bệnh viện được đầu tư dự án ODA của Cộng hòa Pháp, nhà mới xây xong, Bệnh viện có ngay thiết bị mới để lắp đặt, vận hành.
Về kinh phí hoạt động, nắm bắt chủ trương của Nhà nước về thu một phần viện phí, Bệnh viện là đơn vị đầu tiên của ngành Y tế Hải Phòng được Ủy ban nhân dân Thành phố chỉ đạo cùng Sở Tài chính, Sở Y tế xây dựng chi tiết biểu giá viện phí các dịch vụ khám chữa bệnh. Thực hiện thu một phần viện phí, nguồn viện phí đã tăng nhanh, năm 1989, Bệnh viện thu được 113 triệu đồng, đến năm 1993 đã lên 1.100 triệu đồng. Bệnh viện cũng là đơn vị đầu tiên xây dựng loại hình phục vụ theo yêu cầu, chính điều này giúp cho Bệnh viện tăng đáng kể viện phí. Tiền viện phí đã góp phần quan trọng để giải quyết cho kinh phí hoạt động giường bệnh, góp phần nâng cao đời sống cán bộ viên chức và từng bước nâng cấp Bệnh viện.
Hoạt động đối ngoại của Bệnh viện cũng được tăng cường, có tác động tích cực cho sự phát triển của Bệnh viện. Đối với các đơn vị trong ngành, không chỉ lãnh đạo bệnh viện mà nhiều đối tượng các phòng chức năng, khoa lâm sàng, cận lâm sàng đều được tổ chức đi thăm quan, học tập. Bệnh viện cũng tạo được sự ủng hộ, giúp đỡ của các bệnh viện chuyên ngành, các cơ quan Trung ương, các ban ngành hữu quan của thành phố, do đó đã tạo được nguồn lực ủng hộ cả vật chất lẫn tinh thần giúp Bệnh viện phát triển.
Trong giai đoạn 1989-1998, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể cán bộ viên chức, sự linh hoạt, kịp thời nắm bắt những thay đổi cơ chế của nhà nước, Ban Lãnh đạo bệnh viện đã lãnh đạo Bệnh viện “Đổi mới”, bắt kịp xu thế phát triển của thành phố, đất nước, Bệnh viện đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Hoạt động giường bệnh tăng từ 250 giường bệnh lên 350 giường bệnh. Số khám bệnh tăng 200%, bệnh nhân nội trú tăng 4 lần, số ca đẻ tăng 130%, tổng số xét nghiệm tăng 3 lần, siêu âm, Xquang tăng 4 lần, phẫu thuật loại I, II tăng gấp 3 lần. Tử vong mẹ từ 31%o giảm còn 11%o, các tai biến sản khoa cũng giảm rõ rệt, tai biến uốn ván sơ sinh không còn xẩy ra ở Bệnh viện. Đời sống cán bộ viên chức ổn định, từng bước được nâng cao.
BSCC Nguyễn Đức Lâm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện trù trì giao ban Bệnh viện
PHẦN THỨ BA
XÂY DỰNG BỆNH VIỆN CHÍNH QUY, HIỆN ĐẠI
NHỮNG BƯỚC ĐI BAN ĐẦU (1998-2008)
Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trảiqua 20 năm bền bỉ phấn đấu vươn lên, đến nay bước đầu ổn định và phát triển. Bệnh viện không chỉ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân thành phố Hải Phòng mà còn cho nhân dân một số tỉnh miền Duyên hải. Vì vậy, xây dựng bệnh viện ngày một phát triển không chỉ là mong muốn của các cấp lãnh đạo, mà còn là yêu cầu cấp thiết của phụ nữ thành phố và các tỉnh lân cận.
Buổi giao ban chuyển giao giữa hai thế hệ
Ảnh: BSCC Nguyễn Đức Lâm, nguyên Giám đốc bệnh viện bàn giao công tác
cho BSCKII Đoàn Thị Bích Ngọc, tân Giám đốc bệnh viện
Tháng 11 năm 2007, BsCKII Đoàn Thị Bích Ngọc được Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện (thay bác sĩ cao cấp Nguyễn Đức Lâm nghỉ hưởng chế độ BHXH). Phó Giám đốc bệnh viện là các đồng chí: BsCKII Lê Hồng Danh phụ trách công tác chuyên môn; DsCKI Phạm Thiện Hoạch phụ trách công tác hậu cần. Các đồng chí lãnh đạo bệnh viện đều là cán bộ trẻ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ chuuyên môn, tâm huyết với nghề nghiệp, hết lòng xây dựng Bệnh viện phát triển…
Giữa tháng 5 năm 2008, Đảng bộ bệnh viện tổ chức Đại hội Đảng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 1998-2002. BsCKII Đoàn Thị Bích Ngọc, Giám đốc bệnh viện được Đảng bộ tín nhiệm bầu làm Bí thư Đảng ủy bệnh viện. Đại hội thông qua Nghị quyết quan trọng cho sự phát triển của Bệnh viện, với nội dung cô đọng thành khẩu hiệu hành động: “Xây dựng bệnh viện chính quy hóa - hiện đại hóa trên nền tảng y đức”.
Sau Đại hội Đảng bộ bệnh viện, Ban Giám đốc bệnh viện đã tổ chức nhiều Hội nghị cán bộ chủ chốt bệnh viện họp bàn, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Sau 5 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, sự điều hành quản lý của Ban Giám đốc, sự chung sức đồng lòng của cán bộ viên chức, Bệnh viện đã đạt được những thành tựu ban đầu của sự nghiệp xây dựng bệnh viện chính quy, hiện đai, đó là:
- Vừa đảm bảo nhiệm vụ khám chữa bệnh, vừa xây dựng nâng cấp Bệnh viện, đạt và vượt kế hoạch chỉ tiêu khám chữa bệnh, có nhiều chỉ tiêu kế hoạch đạt cao hơn những năm 1991-1995, giảm đáng kể tử vong mẹ, tử vong sơ sinh, giảm 5 tai biến sản khoa. Phát triển và ứng dụng có hiệu quả nhiều kỹ thuật khám chữa bệnh tiên tiến hiện đại như: phẫu thuật nội soi, phẫu thuật và điều trị ung thư phụ khoa; phẫu thuật cắt tử cung đường dưới; kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; điều trị chăm sóc trẻ sơ sinh non tháng; ứng dụng siêu âm chẩn đoán; xây dựng quy trình tiệt khuẩn tập trung liên hoàn.
- Hoàn thành giai đoạn hai nâng cấp cơ sở hạ tầng; xây dựng mới toàn bộ khu cận lâm sàng, khu điều trị phục vụ yêu cầu, khu nhà điều trị 4 tầng cho các khoa lâm sàng. Hiện đại hóa nhiều trang thiết bị y tế: máy siêu âm mầu 3D, Xquang chụp vú, máy phân tích Eliza, máy tự động phân tích tế bào máu, thiết bị rửa và bảo quản tinh trùng, máy chụp Xquang tổng hợp, máy đo độ loãng xương, thiết bị tiệt khuẩn, máy theo dõi bệnh nhân, máy theo dõi chuyển dạ đẻ…
- Về trình độ cán bộ, Bệnh viện đã có: Tiến sĩ: 01, BsCKII: 08, Thạc sĩ y khoa: 12, Thạc sĩ Dược: 01, BsCKI: 54, CNĐD:12…
Ghi nhận những thành tích Bệnh viện đạt được trong giai đoạn này, Bệnh viện đã được Nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2003) và nhiều phần thưởng cao quý khác của ngành Y tế và Thành phố trao tặng.
Bệnh viện đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất (2003)
Bác sĩ Đoàn Thị Bích Ngọc, Bí thư Đảng ủy (1998-2003), trên cương vị của mình đã tập hợp được sự đoàn kết, nhất trí cao trong Đảng ủy, tiếp tục được Thành phố, Sở Y tế bổ nhiệm lại làm Giám đốc bệnh viện và được Đảng bộ bệnh viện tiếp tục bầu làm Bí thư Đảng ủy nhiệm kỳ tiếp theo. Ban giám đốc bệnh viện cũng được Thành phố, Sở Y tế bổ sung thêm một Phó Giám đốc chuyên môn, là BsCKII Đỗ Thị Thu Thủy. Ban giám đốc thời kỳ này có sự kết hợp giữa cán bộ lãnh đạo có nhiều kinh nghiệm với cán bộ trẻ, năng động.
Hoạt động của Bệnh viện đã đi vào nề nếp, cơ cấu tổ chức các khoa phòng đã ổn định với 26 khoa, phòng, gồm: 6 phòng chức năng, 8 khoa cận lâm sàng, 12 khoa lâm sàng. Đội ngũ cán bộ quản lý các khoa, phòng đều có trình độ sau đại học, chuyên môn vững vàng, nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý.
Ngày 16 tháng 6 năm 2004, Bệnh viện được Thành phố nâng hạng từ Bệnh viện chuyên khoa hạng II lên Bệnh viện chuyên khoa hạng I. Đây là sự khẳng định quan trọng, đánh dấu bước tiến mới của Bệnh viện cả về lượng và về chất trong quá trình xây dựng và phát triển, nâng Bệnh viện lên một tầm cao mới.
Sau khi Bệnh viện được nâng hạng lên Bệnh viện chuyên khoa hạng I, để thực hiện đúng chức năng nhiệm vụ của Bệnh viện chuyên khoa hạng I và đáp ứng yêu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao hơn của nhân dân Thành phố và nhân dân các tỉnh lân cận, cũng như đáp ứng yêu cầu công tác chỉ đạo chuyên khoa đối với các bệnh viện quận, huyện, Bệnh viện đã tách nhiệm vụ chỉ đạo tuyến và nghiên cứu khoa học từ phòng Kế hoạch tổng hợp để thành lập phòng Chỉ đạo tuyến và Nghiên cứu khoa học. Tách khoa Sản yêu cầu thành khoa Sản 4 và Sản 5. Như vậy, sau khi tổ chức lại bộ máy, toàn Bệnh viện có 28 khoa phòng, gồm: 6 phòng chức năng, 8 khoa cận lâm sàng và 14 khoa lâm sàng. Chỉ tiêu giường bệnh cũng được tăng từ 350 giường bệnh lên 380 giường bệnh.
Về công tác đào tạo cán bộ, Bệnh viện đã động viện, khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để cán bộ viện chức đi học. Trong 5 năm tiếp theo, trình độ đội ngũ cán bộ được nâng lên rõ rệt, Bệnh viện đã có: 02 Tiến sĩ, 14 BsCKII, 9 Thạc sĩ, 17 BsCKI, 03 bác sĩ nội trú tại CH Pháp… và nhiều cán bộ viên chức đang theo học các lớp dài hạn, ngắn hạn, chuyên sâu…
Về nghiên cứu và ứng dụng các kỹ thuật mới, tiên tiến, hiện đại trong công tác khám chữa bệnh, Bệnh viện đã ứng dụng thành công các kỹ thuật: phẫu thuật nội soi điều trị chửa ngoài tử cung, khối u phần phụ, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung nhỏ, lấy vòng trong ổ bụng, triệt sản, cắt tử cung…; phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ, điều trị ung thư bằng hóa chất, phá thai an toàn, xét nghiệm các yếu tố đông máu, xét nghiệm sàng lọc các bệnh truyền nhiễm nguuy hiểm, siêu âm chẩn đoán hình ảnh lập thể 3 chiều, 4 chiều, Doplles mầu… Đặc biệt, Bệnh viện đã thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản với các phòng kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, hệ thống trang thiết bị đầy đủ, đồng bộ hiện đại và bước đầu thực hiện các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Tháng 4/2006, hai cháu bé TTTON đầu tiên đã chào đời tại Bệnh viện. Tháng 7/2005, bốn bệnh nhân đầu tiên đã được chọc hút noãn và chuyển phôi thành công. Tháng 11/2007, cháu bé đầu tiên sau chuyển phôi đông lạnh đã chào đời hoàn toàn khỏe mạnh.
Tháng 9/2007, bác sĩ Đoàn Thị Bích Ngọc được nghỉ hưởng chế độ BHXH, trong khoảng 10 năm trên cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện, bác sĩ Ngọc đã cùng với Đảng ủy, Ban giám đốc lãnh đạo Bệnh viện hoànthành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, đưa Bệnh viện từ Bệnh viện chuyên khoa hạng II lên Bệnh viện chuyên khoa hạng I, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và nhiều phần thưởng cao quý khác của Thành ủy, UBND thành phố Hải Phòng, Bộ Y tế, Sở Y tế. Cá nhân bác sĩ Đoàn Thị Bích Ngọc được Nhà nước phòng tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú (năm 2000), tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2008); Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng Bằng Lao động sáng tạo các năm 2000, 2002.
Sau khi bác sĩ Đoàn Thị Bích Ngọc nghỉ hưởng chế độ, bác sĩ Lê Hồng Danh, Phó giám đốc bệnh viện cũng tình nguyện lên đường làm nhiệm vụ quốc tế cao cả. Ban giám đốc bệnh viện được kiện toàn mới: BsCKII Đỗ Thị Thu Thủy, Phó giám đốc bệnh viện được Thành phố bổ nhiệm làm Giám đốc bệnh viện (tháng 10/2007). Tiến sĩ Nguyễn Văn Học, Trưởng khoa Phụ yêu cầu và bác sĩ Vũ Văn Chỉnh, Trưởng khoa Sản 4 được bổ nhiệm làm Phó giám đốc bệnh viện, phụ trách công tác chuyên môn.
Ban Giám đốc bệnh viện đón nhận Huân chương Độc Lập hạng Ba
tại Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập Bệnh viện
Kỷ niệm 30 năm thành lập bệnh viện, Bệnh viện đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba (2008). Đây là sự ghi nhận những đóng góp to lớn của Bệnh viện vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân Thành phố của Đảng, Nhà nước trong suốt 30 năm qua, đặc biệt là thời gian 10 năm (1998-2008) dưới sự lãnh đạo của Thầy thuốc ưu tú, bác sĩ chuyên khoa II, nguyên Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện Đoàn Thị Bích Ngọc.
PHẦN THỨ TƯ
“TỰ CHỦ”
2008-2018
Giai đoạn 2008-1018, tình hình thế giới và đất nước có nhiều biến động. Năm 2008, khủng hoảng tài chính xuất phát từ Hoa Kỳ, lan rộng ra toàn thế giới. Dù tác động không lớn, nhưng cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu cũng ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam. Nguồn ngân sách Nhà nước vốn đã hạn hẹp, nay càng thắt chặt hơn sau một số vụ án kinh tế lớn tại các tập đoàn kinh tế Nhà nước. Trong suốt thời kỳ này, Bệnh viện hầu như không được Thành phố cấp kinh phí để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Kinh phí cho hoạt động giường bệnh và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên cũng chỉ được Thành phố cấp một phần, phần lớn Bệnh viện phải tự trang trải bằng nguồn thu viện phí.
Ngoài khu nhà điều trị 4 tầng Bệnh viện được xây mới và đưa vào sử dụng đầu những năm 2000 là còn khang trang, sạch đẹp, còn những khu vực khác như khu Khám bệnh, Sản 4, Sản 5 và khu 3 tầng KHHGĐ đã xuống cấp trầm trọng. Máy móc trang thiết bị được tiếp nhận theo chương trình ODA sau 10 năm hoạt động cũng đã hỏng hóc, sửa chữa nhiều và phần lớn đều là những thiết bị theo công nghệ cũ, nay đã lạc hậu với sự phát triển của nền y học.Điểm nổi bật của thời kỳ này chính là nguồn nhân lực Bệnh viện, sau nhiều nỗ lực của tập thể Ban lãnh đạo và cán bộ viên chức trong công tác đào tạo nguồn nhân lực để Bệnh viện đạt chuẩn Bệnh viện chuyên khoa hạng I, Bệnh viện đã có đội ngũ cán bộ dồi dào, trình độ cao, chuyên sâu. Một số kỹ thuật tiến tiến, hiện đại của chuyên ngành sản - phụ khoa được nghiên cứu, ứng dụng giai đoạn trước đến nay đã trở thành kỹ thuật thường quy.
Mặc dù cơ sở hạ tầng chật hẹp, máy móc thiết bị còn nhiều hạn chế, nhưng với đội ngũ cán bộ chất lượng, trình độ chuyên môn cao, Bệnh viện vẫn là địa chỉ tin cậy không chỉ của nhân dân Thành phố mà còn của người bệnh các tỉnh duyên hải Bắc bộ đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. Năm 2008, Bệnh viện được Thành phố, Sở Y tế giao chỉ tiêu 400 giường bệnh, nhưng Bệnh viện thực kê 504 giường bệnh, công suất giường bệnh tăng 26,0% so với kế hoạch. Số giường thực kê các năm tiếp theo luôn sấp sỉ 500 giường bệnh, do đó, năm 2010, Thành phố, Sở Y tế đã giao tăng chỉ tiêu giường bệnh của Bệnh viện lên 450 giường bệnh.Trong những năm này, Bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải, tạo áp lực rất lớn lên hoạt động khám chữa bệnh của Bệnh viện. Bệnh viện vừa phải điều tiết giường bệnh, vừa phải tổ chức tốt công tác khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng điều trị, giảm tải giường bệnh, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh đến khám chữa bệnh vừa chăm lođời sống cán bộ viên chức.
Từ thực tế trên, Ban giám đốc bệnh viện đã họp bàn, đề ra nhiều giải pháp thực hiện:
- Lập Ban điều hành giường bệnh để giải quyết quá tải; giảm ngày điều trị trung bình xuống 1 ngày bằng nâng cao chất lượng điều trị, kiểm soát chặt chẽ công tác vô khuẩn bệnh viện, đặc biệt chú trọng khu vực phòng mổ, phòng đẻ và các phòng thủ thuật; thu gọn các phòng chức năng để tăng diện tích bố trí giường bệnh…
- Cải cách hành chính, rà soát, loại bỏ các thủ tục, giấy tờ không cần thiết. Bố trí khu nhận và trả kết quả xét nghiệm tập trung tại khu vực khám bệnh; thực hiện hội chẩn và duyệt mổ tại phòng khám; tổ chức thêm các bàn thu viện phí , tăng cường thêm nhân viên thu viện phí vào các giờ cao điểm; bố trí nhân viên phòng Điều dưỡng ra hướng dẫn, phân luồng bệnh nhân giải tỏa ùn tắc; nhân viên tổ bảo vệ bệnh viện đảm bảo an ninh trật tự…
- Tăng cường công tác kiểm soát BHYT, chống thất thu viện phí, hạn chế tối đa việc BHYT xuất toán do lỗi ghi bệnh án…
- Công tác chăm lo và nâng cao đời sống cán bộ viên chức giai đoạn này ngoài nỗ lực của Ban giám đốc phải kể đến sự đóng góp quan trọng của Công đoàn bệnh viện. Với trách nhiệm là Chủ tịch Công đoàn bệnh viện, PGS.TS Nguyễn Văn Học đã cùng với tập thể BCH Công đoàn bệnh viện kiên quyết, đồng lòng, không ngại va chạm thực hiện việc đấu thầu công khai, minh bạch các dịch vụ bệnh viện (dịch vụ trông coi xe, căng tin ăn uống, tạp hóa… kể cả Nhà thuốc bệnh viện), đem lại hiệu quả kinh tế lớn, mỗi năm thu về cho quỹ phúc lợi bệnh viện trên 2 tỷ đồng, góp phần nâng cao đời sống cán bộ viên chức. BCH Công đoàn bệnh viện cũng là đầu mối thực hiện thành công xã hội hóa máy siêu âm mầu 4D, vừa góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu sử dụng dịch vụ công nghệ cao của người bệnh, vừa nâng cao thu nhập cải thiện đời sống cán bộ viên chức.
Mặc dù Ban giám đốc bệnh viện đã kiên quyết, đưa ra nhiều giải pháp, cùng với sự vào cuộc quyết liệt của các phòng chức năng, các tổ chức đoàn thể bệnh viện, nhưng tình hình quá tải bệnh viện vẫn diễn biến phức tạp, đã có thời điểm một số cá nhân lợi dụng sự quá tải để trục lợi trong việc điều hành, sắp xếp giường bệnh, đặc biệt là sắp xếp giường yêu cầu. Tình trạng nhận tiền lót tay khi làm vệ sinh, thay băng, đón bé, tắm bé…gây bức xúc trong dư luận. Dù không phải là phổ biến và diễn ra không lâu, nhưng những hành vi trên của một bộ phận viên chức bệnh viện đã làm xấu đi hình ảnh bệnh viện trong con mắt người dân Thành phố, thậm chí với cả lãnh đạo Thành phố.Đặc biệt, thời gian này tình trạng rạn gẫy xương đòn trẻ sơ sinh trong đẻ tăng cao (năm 2011: 0,32%o; năm 2012; 0,31%o), gây hoang mang trong dư luận, đặc biệt là đối với các sản phụ khi sinh con tại Bệnh viện.
Để tăng cường cán bộ lãnh đạo quản lý công tác bệnh viện, nhằm siết lại kỷ cương, kỷ luật, chất lượng công tác chuyên môn, tinh thần thái độ làm việc, giao tiếp ứng xử trong bệnh viện cũng như chuẩn bị nguồn cán bộ lãnh đạo bệnh viện kế cận cho nhữngnăm tiếp theo…Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đã thống nhất đề xuất với Sở Y tế, Thành phố bổ nhiệm thêm 01 Phó giám đốc bệnh viện. Tháng 01/2012, được sự đồng ý của Thành phố, Sở Y tế đã ban hành quyết định bổ nhiệm TS.BS Vũ Văn Tâm, Phó trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản làm Phó giám đốc bệnh viện.
Như vậy, Ban giám đốc bệnh viện thời gian này gồm: BsCKII Đỗ Thị Thu Thủy - Giám đốc bệnh viện, các đồng chí PGS.TS Nguyễn Văn Học - Phó giám đốc, BsCKII Vũ Văn Chỉnh - Phó Giám đốc, TS.BS Vũ Văn Tâm - Phó giám đốc phụ trách chuyên môn, DsCKII Phạm Thiện Hoạch - Phó giám đốc phụ trách công tác nội chính, hậu cần.
Tình trạng tai biến rạn gãy xương đòn trẻ sơ sinh vẫn diễn biến phức tạp, để khắc phục tình trạng này, tháng 5/2013, Giám đốc bệnh viện quyết định phân công TS.BS Vũ Văn Tâm, Phó giám đốc bệnh viện trực tiếp phụ trách khoa Đỡ đẻ. Ngay sau khi về phụ trách khoa Đỡ đẻ, TS.BS Vũ Văn Tâm đã có những nghiên cứu, thay đổi một số bước trong quy trình đỡ đẻ, nhằm khắc phục tai biến rạn gẫy xương đòn sơ sinh trong đẻ. Chỉ sau một thời gian ngắn, sang chấn rạn gẫy xương đòn sơ sinh trong đẻ được kềm chế hoàn toàn (từ 2014 đến nay hãn hữu mới xẩy ra một ca rạn gãy xương đòn). Nhằm tăng thêm chất lượng dịch vụ, sức hấp dẫn đối với sản phụ vào đẻ tại bệnh viện, TS.BS Vũ Văn Tâm đã cho triển khai kỹ thuật đẻ không đau, chỉ trong 4 tháng cuối năm 2013, Khoa đã thực hiện thành công 162 ca đẻ không đau an toàn, ghi dấu bước tiến mới trong quá trình phát triển của khoa Đỡ đẻ.
Từ năm 2014, thực trạng công tác khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa trên địa bàn Thành phố có diễn biến mới, với sự ra đời của một số Bệnh viện tư nhân, như Bệnh viện Tâm Phúc, Bệnh viện Green, Đa khoa Quốc tế, Bệnh viện Đại học Y Dược Hải Phòng… các Bệnh viện này có cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị được đầu tư mới, chất lượng cao, cùng với đội ngũ y bác sĩ có phong cách thái độ phục vụ luôn hướng tới sự hài lòng của người bệnh; thủ tục khám chữa bệnh nhanh chóng,thuận tiện… nên đã thu hút được một bộ phận người bệnh, đặc biệt là người bệnh có thu nhập cao đến với họ. Thêm lợi thế, là Bệnh viện tư nên họ có chính sách cời mở, để có được người bệnh họ chích phần trăm cho các nhân viên y tế bệnh viện công nếu giới thiệu người bệnh đến với họ; hợp đồng, mời những bác sĩ giỏi, uy tín… về khám, chữa bệnh ngoài giờ, hoặc theo từng ca cụ thể với nhiều ưu đãi, hấp dẫn… Không chỉ thu hút người bệnh, các Bệnh viện tư còn thu hút bác sĩ giỏi từ các Bệnh viện công với môi trường làm việc hoàn hảo, thu nhập cao…Thực trạng đó đã tác động mạnh đến hoạt động khám chữa bệnh của các Bệnh viện công, trong đó có Bệnh viện ta.
Trong bối cảnh đó, tháng 9 năm 2014, Bs Đỗ Thị Thu Thủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện nghỉ hưởng chế độ, tạm thời Thành phố, Sở Y tế giao cho BsCKII Vũ Văn Chỉnh, Phó giám đốc bệnh viện điều hành hoạt động bệnh viện (hoạt động chuyên môn); cũng thời điểm này, một loạt cán bộ chủ chốt bệnh viện cũng nghỉ hưởng chế độ (đúng tuổi), hoặc nghỉ sớm để chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư, như: Trưởng khoa Sản 3, Phụ 1, Phụ 2. Khám bệnh, Khám yêu cầu, Chẩn đoán hình ảnh, Sơ sinh, KHHGĐ, Sinh hóa, vi sinh, huyết học, GPBL… đã tác động không nhỏ đến tâm tư, tình cảm của CBVC Bệnh viện… Công tác quản lý bệnh viện có phần sao nhãng, thiếu kiểm tra giám sát. Vì vậy, còn để người bệnh phải chờ đợi khi đến khám bệnh chữa bệnh; còn có hiện tượng giới thiệu người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện tư, phòng khám tư; hiện tượng đi muộn, về sớm, tranh thủ đi giải quyết công việc riêng trong giờ hành chính...
- Công tác quản lý kinh tế y tế chưa được coi trọng nên hoạt động kinh tế của Bệnh viện thiếu hiệu quả, như: còn thất thoát do sử dụng lãng phí điện, nước, tiêu hao hành chính, tiêu hao vật tư y tế… Công tác quản lý các dịch vụ bên ngoài cung cấp cho bệnh viện còn thiếu chặt chẽ, chưa hợp lý dẫn đến tình trạng chi phí cao nhưng hiệu quả chưa cao như các dịch vụ Vệ sinh làm sạch bệnh viện, Bảo vệ bệnh viện, thu gom rác thải y tế, đồ vải, than…; Việc mua sắm vật tư, trang thiết bị chưa được đổi mới, còn lãng phí nhân lực, thời gian cho việc duyệt giá, lưu kho hành chính; vật tư, máy móc, trang thiết bị mua về chất lượng chưa đảm bảo, hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế sử dụng…
Vấn đề giao tiếp ứng xử, tinh thần thái độ tiếp xúc với người bệnh chưa thực sự được coi trọng, còn để người bệnh phàn nàn, bức xúc…
Từ thực tế đó, tình hình bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện giảm sút, tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh chỉ đạt khoảng trên 70% so với thời gian cùng kỳ năm trước. Kinh tế Bệnh viện giảm sút nghiêm trọng, đến thời điểm này các quỹ của bệnh viện cạn kiệt, ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện, cũng như đời sống CBVC Bệnh viện.
Cuối tháng 3 năm 2015, UBND Thành phố quyết định bổ nhiệm TS.BS Vũ Văn Tâm - Phó giám đốc bệnh viện giữ chức vụ Giám đốc bệnh viện.
Đ/c Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng trao Quyết định
bổ nhiệm Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hải Phòng cho TS.BS Vũ Văn Tâm
Ban Giám đốc bệnh viện có 04 đồng chí. Giám đốc bệnh viện đã họp, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban Giám đốc.
- Giám đốc bệnh viện phụ trách chung. Trực tiếp quản lý công tác TCKT, công tác cán bộ; phụ trách các phòng TCCB, Điều dưỡng; Khối Khám, Khối Xét nghiệm; khoa CĐHA…
- Phó giám đốc chuyên môn Nguyễn Văn Học - Phụ trách khối Phụ; khoa GMHS, KHHGĐ và trực tiếp quản lý phòng Chỉ đạo tuyến - NCKH.
- Phó giám đốc chuyên môn Vũ Văn Chỉnh - Phụ trách khối Sản, khoa Sơ sinh, KSNK và phòng KHTH.
- Phó giám đốc hậu cần Phạm Thiện Hoạch - Phụ trách công tác hậu cần kinh tế và quản lý các phòng HCQT, TCKT, VTYT, khoa Dược, khoa Dinh dưỡng ...
Tháng 6/2015, Đảng bộ bệnh viện đã tổ chức Đại hội Đảng bộ lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2015-2020. Đồng chí Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện được bầu làm Bí thư Đảng ủy bệnh viện.
Ban chấp hành Đảng ủy bệnh viện nhiệm kỳ 2015-2020
Trước thực trạng tình hình bệnh viện đang tồn tại nhiều hạn chế. Ngay sau đại hội, BCH Đảng ủy bệnh viện đã họp, xây dựng Quy chế, chương trình hoạt động toàn khóa và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng Đảng ủy viên.
Đảng ủy bệnh viện đã họp bàn, phân tích, đánh giá cụ thể tình hình, đưa ra các chủ trương, giải pháp, lãnh đạo chính quyền và các tổ chức đoàn thể tập trung giải quyết các vấn đề trọng tâm:
Một là: Làm tốt công tác chính trị tư tưởng. Tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động biết về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của ngành và đơn vị để mọi người yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, đoàn kết, đồng lòng xây dựng bệnh viện. Đảng ủy bệnh viện đã ban hành nghị quyết, lấy chủ đề hoạt động của Bệnh viện năm 2016 là: “Đoàn kết – Kỷ cương – Hiệu quả”.
Hai là: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, lập lại trật tự, kỷ cương, nề nếp hoạt động của Bệnh viện.
Thực hiện chủ trương này, sau các phiên họp Đảng ủy, mọi chủ trương, chính sách đều được Đảng ủy ban hành thành Nghị quyết gửi xuống các chi bộ Đảng để phổ biến đến tất cả cán bộ, đảng viên, viên chức, người lao động biết.
Đảng ủy yêu cầu các đồng chí Đảng ủy viên phụ trách các chi bộ phải tham gia sinh hoạt Đảng cùng các chi bộ, lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn các chi bộ triển khai thực hiện nghị quyết, kết luận của Đảng ủy bệnh viện. Các chi bộ chịu trách nhiệm toàn diện trước Đảng ủy bệnh viện về mọi hoạt động của các khoa, phòng thuộc chi bộ.
Đảng ủy lãnh đạo chính quyền tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc các khoa, phòng thực hiện nghiêm Quy chế công tác chuyên môn; kỷ luật lao động, nội quy, quy định của cơ quan. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện đã yêu cầu một số khoa, phòng thay đổi giờ giao ban, hội họp cho phù hợp với hoạt động của khoa, phòng, dành thời gian cho công tác phục vụ người bệnh, đặc biệt là thời gian buổi sáng để tổ chức đón tiếp, thăm khám cho người bệnh ngay từ đầu giờ làm việc, không để người bệnh phải chờ đợi. Các xét nghiệm, chẩn đoán cận lâm sàng cũng phải ghi rõ thời gian trả kết quả để người bệnh biết, yên tâm đợi kết quả…
Ba là: Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh, thu hút người bệnh đến với bệnh viện.
Với thực tế số lượng bệnh nhân giảm sút đáng kể trong thời gian qua thì việc phải đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh để thu hút người bệnh đến với Bệnh viện là yêu cầu tất yếu. Thực hiện chủ trương này, Giám đốc bệnh viện đã giao phòng TCCB, phòng Điều dưỡng thành lập Tổ đón tiếp, hướng dẫn người bệnh đến khám chữa bệnh tại bệnh viện. Nhân viên Tổ đón tiếp được bố trí từ khu vực khám bệnh đến các khoa lâm sàng, cận lâm sàng để đón tiếp, hướng dẫn, giúp đỡ người bệnh và thân nhân, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người bệnh khi đến với bệnh viện.
Bệnh viện cũng nghiêm cấm mọi hành vi gây phiên hà cho người bệnh, kiên quyết xử lý các hành vi nhận tiền khi tắm bé, tiêm, truyền, thay băng, khám ra viện, tư vấn bán sữa mẹ, con sai quy định…
Tuyên truyền, vận động CBVC thực hiện tốt quy tắc ứng xử, ân cần, niềm nở khi giao tiếp; tận tâm tận tình khi chăm sóc; hết lòng hết sức khi điều trị cho người bệnh…
Bốn là: Đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa y tế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước; mở rộng liên doanh liên kết phát triển thêm cơ sở khám chữa bệnh khắc phục tình trạng chật chội, quá tải... ưu tiên phát triển cở sở khám chữa bệnh chất lượng cao; Thu hút mọi nguồn lực để phát triển Bệnh viện; nghiên cứu, bàn bạc mở ra các dịch vụ y tế và dịch vụ ngoài y tế để phục vụ người bệnh.
Thực hiện chủ trương này, Đảng ủy đã họp bàn, giao Ban Giám đốc nghiên cứu, đàm phán, xây dựng đề án thuê lại toàn bộ tầng 13 của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế, thành lập Đơn nguyên điều trịNội khoa và Hậu sản. Đơn nguyên bắt đầu đi vào hoạt động từ 12/10/2016, có 93 giường bệnh với 22 buồng bệnh, 1 buồng thủ thuật, 1 buồng tắm nhi, 1 buồng siêu âm.Đơn nguyên được giao nhiệm vụ điều trị dọa sảy thai, dọa đẻ non, những bệnh lý trong quá trình có thai như hở eo tử cung, tiền sử sảy thai liên tiếp, nôn nghén.., các sản phụ sau đẻ, sau mổ đẻ, mổ phụ, bệnh lý nhiễm trùng vết mổ, áp xe vú....
Với sự giúp đỡ của ngân hàng Vietinbank Bệnh viện đã cải tạo khu Khám bệnh, với tổng mức đầu tư đến gần 1 tỷ đồng. Khu Khám bệnh sau khi được cải tạo đã rộng rãi hơn, khang trang hơn, cải thiện được kiện làm việc cho CBVC khoa Khám và người bệnh khi đến khám bệnh tại Bệnh viện.
Ban giám đốc đã cùng với BCH Công đoàn lựa chọn một số dịch vụ y tế, dịch vụ ngoài y tế để phục vụ người bệnh. Dịch vụ chăm sóc người bệnh sau mổ, sau đẻ tại bệnh viện được triển khai đã đáp ứng được nhu cầu của người bệnh, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, thu hút được số bệnh nhân có thu nhập cao lẽ ra họ đã sang Bệnh viện Green, Tâm Phúc…
Năm là: Công tác tổ chức cán bộ, bộ máy.
* Tổ chức bộ máy:
Thực hiện Thông tư số 19/2013/TT-BYT ngày 12/7/2013 của Bộ Y tế về việc “Hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Bệnh viện”, tháng 5/2015, Giám đốc bệnh viện đã ban hành quyết định thành lập phòng Quản lý chất lượng bệnh viện. Trưởng phòng đầu tiên là BsCKII Nguyễn Thị Mai Anh (sau được điều động sang làm Trưởng phòng KHTH), hiện nay BsCKII Phan Quang Anh là Trưởng phòng kiêm phụ trách khoa Phẫu thuật nội soi.
Từ thực tế nhu cầu phát triển bệnh viện và vị thế của Bệnh viện chuyên khoa hàng đầu khu vực Duyên hải Bắc bộ, Đảng ủy bệnh viện đã thông qua chủ trương thành lập khoa Quản lý thai nghén và Chẩn đoán trước sinh giao cho Ban giám đốc triển khai thực hiện. Do đây là khoa mới, chưa lựa chọn được cán bộ quản lý đáp ứng được yêu cầu, tiêu chuẩn cán bộ quản lý khoa, nên TS.BS Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện đã trực tiếp quản lý khoa và đào tạo cán bộ để tiếp nhận công tác quản lý khoa sau này.
Thực hiện Thông tư 43/2015/TT-BYT ngày 26/11/2015 của Bộ Y tế về việc Quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của Bệnh viện. Căn cứ ý kiến tham mưu đề xuất của Trưởng phòng TCCB bệnh viện, Giám đốc bệnh viện ra quyết định thành lập phòng CTXH, bổ nhiệm Ths Trần Huy Lực - Phó trưởng phòng TCCB giữ chức vụ Trưởng phòng CTXH bệnh viện.
* Công tác cán bộ:
Căn cứ Đề án vị trí việc làm do phòng Tổ chức cán bộ thực hiện và thực tế tình hình nhân sự tại các khoa, phòng, Bệnh viện nhận thấy, cơ cấu CBVC tại các khoa, phòng chưa hợp lý; một số khoa, phòng dôi dư nhân lực. Từ thực tế đó, Đảng ủy bệnh viện trong phiên họp tháng 12/2015 đã thông qua chủ trương "Tinh giản biên chế, tái cơ cấu lại nguồn nhân lực và chức năng nhiệm vụ một số khoa, phòng", giao cho Chính quyền triển khai thực hiện; đồng thời chỉ đạo các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên Bệnh viện tuyên truyền, vận động CBVC,LĐ bệnh viện ủng hộ chủ trương của Đảng ủy, công tác triển khai thực hiện của chính quyền.
Thực hiện chủ trương của Đảng ủy, Ban giám đốc đã họp bàn và triển khai thực hiện:
- Cơ cấu lại chức năng nhiệm vụ, nhân lực, cơ sở vật chất của hai khoa Hỗ trợ sinh sản và khoa Phụ 2 cho phù hợp với thực tế chuyên môn kỹ thuật.
- Điều chuyển một phần nhiệm vụ của khoa KHHGĐ về khoa Khám yêu cầu.
- Điều chuyển nhân lực dôi dư từ hai phòng HCQT, VTYT về phòng CTXH (05 đồng chí), chuyên làm công tác vận chuyển (đồ vải, dụng cụ) từ các khoa lâm sàng xuống khoa KSNK và ngược lại (tiết kiệm được hàng chục nhân lực làm công tác đồ vải của các khoa lâm sàng). Một số nhân lực dôi dư từ các khoa lâm sàng được điều chuyển về khoa Quản lý thai nghén và Chẩn đoán trước sinh mới thành lập và Tổ tiếp đón người bệnh.
Sáu là: Triển khai thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở, để CBVC,LĐ bệnh viên mạnh dạn, phát huy tinh thần chủ tham gia hiến kế xây dựng, phát triển bệnh viện...
Giám đốc bệnh viện bố trí lịch công tác hàng tuần, dành riêng chiều thứ Sáu tiếp CBVC,LĐ Bệnh việnđể lắng nghe tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như những ý kiến đóng góp, hiến kế của CBVC,LĐ với bệnh viện,
Bẩy là: Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; có quy chế thưởng, phạt nghiêm minh...
Đứng trước thực tế còn lãng phí quá lớn trong các hoạt động của bệnh viện, như: lãng phí về nguồn lực, lãng phí vật tư tiêu hao, vật tư y tế, điện, nước… Trước thực trạng đó, Đảng ủy bệnh viện đã phải ban hành nghị quyết “Triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí” trong mọi lĩnh vực hoạt động của Bệnh viện, giao cho Chính quyền tổ chức thực hiện; Công đoàn, Đoàn thanh niên phối hợp tổ chức tuyên truyền, vận động CBVC thực hiện tốt chủ trương trên.
Đánh giá bước đầu thực hiện chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng ủy bệnh viện, mỗi tháng Bệnh viện đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng, đây vẫn chưa phải là con số cuối cùng, nếu từng CBVC bệnh viện thực hiện tốt chủ trương này, đặc biệt là tiết kiệm điện, nước, vật tư tiêu hao trong y tế thì số tiền tiết kiệm được hàng tháng còn cao hơn nữa.
Kết thúc năm 2015, bằng những chủ trương chính sách đúng đắn, cùng với sự điều hành quyết liệt, chủ động, linh hoạt, sáng tạo của Ban giám đốc bệnh viện, Bệnh viện đã có sự chuyển biến, đổi mới rõ rệt trong mọi lĩnh vực hoạt động, năng suất, chất lượng, hiệu quả công việc được nâng lên, tinh thần, thái độ giao tiếp, ứng xử, phục vụ người bệnh đổi mới theo hướng người bệnh là trung tâm, CBVC bệnh viện là người phục vụ… Điển hình về sự đổi mới tinh thần thái độ, tác phong làm việc là tập thể khoa HTSS.Cán bộ, nhân viên của Khoa làm việc từ rất sớm, không quản ngày nghỉ, giờ nghỉ, luôn ân cần, niềm nở, chu đáo, tác phong chuyên nghiệp, luôn đặt chất lượng, hiệu quả trong điều trị cho người bệnh lên trên. Điều đó đã đem đến niềm tin cho người bệnh, tự nó có sức lan tỏa, thu hút người bệnh không chỉ của Thành phố mà của cả các tỉnh lân cận cũng đến với Khoa. Đặc biệt, đã có cả những bệnh nhân là người nước ngoài (Quốc tịch Hồng Kông; Ailen; Trung quốc) sống nhiều năm ở nước ngoài, có điều kiện khám chữa bệnh ở những trung tâm hỗ trợ sinh sản nước ngoài, nhưng họ đã tin tưởng đến khám, điều trị tại Khoa.So với năm 2015, số lượng bệnh nhân đến với Khoa tăng lên rất cao. Cùng với đó là chất lượng hiệu quả công việc cũng được nâng lên, cụ thể: Số lượt khám nữ tăng 200%, số lượt khám và điều trị nam khoa tăng 115%, số chu kỳ KTBT tăng 205,5%, số chu kỳ ICSI tăng 239%, tỷ lệ có thai lâm sàng tăng từ 30% lên trên 60%, số chu kỳ đông phôi tăng 317%, đặc biệt, tổng số phôi ngày 5 tăng hơn 535%...
Cuối năm 2016, Bệnh viện bắt đầu khởi công xây dựng Trung tâm Sơ sinh 9 tầng, với tổng mức đầu tư 223.150 triệu đồng. Trung tâm Sơ sinh có kiến trúc hình khối, gồm một tầng hầm, 8 tầng nổi, kích thước mặt bằng 842,4 m2, tổng diện tích sàn 8.540 m2. Do có sự chuẩn bị từ trước nên mặc dù mặt bằng bị thu hẹp nhưng mọi hoạt động của Bệnh viện vẫn diễn ra bình thường (Bệnh viện đã thuê toàn bộ tầng 13 của Bệnh viện Đa khoa Quốc tế, bố trí hơn 80 giường bệnh để thu dung điều trị bệnh nhân hậu sản và nội khoa). Công trình do Sở Y tế làm chủ đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành vào cuối năm 2018.
Tháng 5 năm 2016, BsCKII Vũ Văn Chỉnh, Phó giám đốc bệnh viện nghỉ hưởng chế độ BHXH. TS.Bs Vũ Quang Vinh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp được Đảng ủy, Ban giám đốc và tập thể cán bộ viên chức bệnh viện tín nhiệm, đề nghị Sở Y tế xét, bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc bệnh viện. Tháng 12 năm 2016, TS.BS Vũ Quang Vinh được Giám đốc Sở Y tế ban hành quyết định bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc bệnh viện.
Tháng 02 năm 2017, DsCKII Phạm Thiện Hoạch, Phó giám đốc bệnh viện nghỉ hưởng chế độ BHXH, như vậy, hiện tại Ban giám đốc bệnh viện có 3 đồng chí. TS.BS Vũ Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện phụ trách chung; PGS.TS Nguyễn Văn Học, Phó giám đốc phụ trách khối Phụ; TS.BS Vũ Quang Vinh, Phó giám đốc phụ trách khối sản.
Để nâng cao vai trò, vị trí của Bệnh viện chuyên khoa hạng I, trung tâm sản khoa của khu vực Duyên hải Bắc Bộ, Đảng ủy, Ban giám đốc bệnh viện đã họp, thông qua chủ trương: “Tập trung đầu tư phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ…, đặc biệt là các kỹ thuật cao, chuyên sâu theo hướng chuyên nghiệp hóa từng lĩnh vực…”. Thực hiện nghị quyết của Đảng ủy, Ban giám đốc, Giám đốc bệnh viện đã cụ thể hóa bằng những chương trình, hoạt động cụ thể:
- Từ đầu năm 2017, Bệnh viện bắt đầu đầu tư xây dựng mạng thông tin nội bộ. Đây là nhiêm vụ rất quan trọng, đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay khi mọi báo cáo (TCKT, BHYT…) đều phải thực hiện hàng ngày, theo phần mềm quản lý của các cơ quan chức năng,…, đồng thời, Bệnh viện chuẩn bị bước vào thực hiện tự chủ về tài chính, việc các khoa, phòng phải thống kê báo cáo số liệu hàng ngày (thu tài chính, số bệnh nhân nội trú, ngoại trú…) là vấn đề hết sức quan trọng, giúp Lãnh đạo bệnh viện nắm bắt kịp thời mọi hoạt động của bệnh viện để chủ động trong công tác quản lý, điều hành…
Giáo sư Alain Diguet hướng dẫn kỹ thuật siêu âm
trên máy siêu âm 5D cho các bác sĩ siêu âm của Bệnh viện
- Tháng 9/2017, Bệnh viện đầu tư 02 máy siêu âm 5D.Đây là máy siêu âm thế hệ mới nhất, máy cho phép sàng lọc các dị tật tim và dị tật hệ thần kinh trung ương một cách nhanh chóng và chính xác nhất.Cùng với việc đầu tư 02 máy siêu âm 5D, Bệnh viện còn mời GS.TS Alain DIGUET, chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực siêu âm sản khoa thuộc Viện - Trường Ruen, Công hòa Pháp sang giảng dạy, đào tạo nâng cao trình độ siêu âm cho các bác sĩ của Bệnh viện; đầu tư và lắp đặt mới hai hệ thống phẫu thuật nội soi full HD Karl Storz tại khoa Gây mê hồi sức. Hệ thống nội soi mới vớihình ảnh nội soi có độ phân giải cao và các dụng cụ cầm tay được thiết kế tinh tế sẽ giúp cho các bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện nâng cao chất lượng điều trị cho người bệnh.
- Đầu tư mới hệ thống vi thao tác Narishige MTK. Đây là hệ thống vi thao tác nhỏ gọn với độ chính xác cao, kỹ thuật viên dễ dàng kết hợp các thao tác với độ chính xác cao cho những công việc vi thao tác khác nhau, đặc biệt là trong các kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, như kỹ thuật IVF/ICSI. Đây là nỗ lực rất lớn của Bệnh viện trong điều kiện bệnh viện còn rất khó khăn về kinh phí hoạt động. Với hệ thống vi thao tác mới, hiện đại này, khoa Hỗ trợ sinh sản sẽ tạo ra đột phá, nâng chất lượng, hiệu quả trong điều trị IVF/ICSI, đáp ứng sự mong mỏi của người bệnh hiếm muộn/vô sinh đã tin tưởng đến khám và điều trị tại Bệnh viện.
- Thực hiện khám quản lý thai nghén và sàng lọc trước sinh cho các sản phụ từ khi có thai cho đến cuối thai kỳvới các kỹ thuật tiên, hiện đại trong chẩn đoán trước sinh, như: kỹ thuật siêu âm chẩn đoán, định lượng các chất đánh dấu và các phương pháp lấy bệnh phẩm thai (chọc hút nước ối, lấy máu tĩnh mạch rốn, sinh thiết bánh rau…) để xác định những bệnh lý liên quan đến bất thường về nhiễm sắc thể.Với đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn vững vàng, được đào tạo chuyên sâu, tác phong làm việc chuyên nghiệp, chu đáo, tận tình vì người bệnh, khoa QLTN&CĐTS đã phát hiện kịp thời các ca trẻ bị dị tật, khuyết tật, tư vấn cho sản phụ và gia đình; không để trường hợp nào sảy ra tai biến khi vào viện do thiếu kiểm soát trước đẻ…
Kể từ ngày 01 tháng 9 năm 2017, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thực hiện cơ chế tự chủ nhóm II (Đơn vị sự nghiệp công tự đảm bảo chi thường xuyên) theo Quyết định số 2194/QĐ-UBND ngày 23/8/2017 của UBND thành phố Hải Phòng.
Đây là sự kiện trọng đại sau 39 năm hình thành, xây dựng và phát triển của Bệnh viện. Từ một đơn vị y tế sự nghiệp, thực hiện theo cơ chế bao cấp, nay, Bệnh viện Phụ sản chính thức chuyển sang cơ chế tự chủ, đảm bảo chi thường xuyên. Đối với Bệnh viện, đây là một thách thức vô cùng to lớn, nhưng cũng là cơ hội để tập thể CBVC,LĐ bệnh viện tự khẳng định, tự vượt lên chính mình, tự đảm bảo cuộc sống để phục vụ nhân dân, đồng thời tập trung xây dựng và phát triển Bệnh viện.
Trước sự kiện trọng đại này, đồng chí Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện đã dành thời gian hai buổi chiều để trao đổi với tập thể cán bộ, viên chức, lao động Bệnh viện.
PGS.TS Vũ Văn Tâm - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện
nói chuyện với CBVC về sự kiện Bệnh viện thực hiện tự chủ
Đồng chí đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực phấn đấu của tập thể CBVC,LĐ bệnh viện qua các thế hệ, suốt 39 năm qua, vượt qua bao khó khăn, thử thách xây dựng lên Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng ngày hôm nay: Bệnh viện Phụ sản hàng đầu của Thành phố và khu vực duyên hải Bắc bộ. Với truyền thống như vậy, đồng chí tin tưởng rằng, tập thể CBVC,LĐ bệnh viện hôm nay, sẽ khẳng định mình, thực hiện tốt cơ chế tự chủ, xây dựng và phát triển Bệnh viện lên một tầm cao mới.
Cơ chế Bệnh viện đã đổi mới, ngay từ hôm nay, mỗi CBVC,LĐ bệnh viện cũng phải đổi mới: đổi mới về tư duy, về hành động và cả phương pháp tiếp cận với người bệnh. Giờ đây, chính người bệnh mới là “ông/bà chủ”, là người trả lương cho chúng ta. Trách nhiệm của mỗi chúng ta là phải cung cấp những dịch vụ khám chữa bệnh tốt nhất, thái độ ứng xử tốt nhất để làm hài lòng người bệnh. Muốn như vậy, mỗi chúng ta phải trở lên thực sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực công tác của mình.
Kết quả hoạt động của Bệnh viện trong hơn 2 năm qua đã chứng minh chủ trương, đường lối, phương thức điều hành, quản lý của Đảng ủy, Ban giám đốc mà đứng đầu là TS.BS Vũ Văn Tâm là đúng đắn. Sự đổi mới về cách tiếp cận với người bệnh, cùng phát triển kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng điều trị đã thu hút rất đông người bệnh đến với Bệnh viện, mà “đầu tầu” là 2 khoa, khoa Hỗ trợ sinh sản và khoa Quản lý thai nghén & Chẩn đoán trước sinh. Cùng theo đó là số lượng các xét nghiệm cận lâm sàng hỗ trợ chẩn đoán lâm sàng cũng tăng lên vượt trội.. Vì vậy, tổng số bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại bệnh viện dù không tăng (thậm chí TS bệnh nhân nội trú còn giảm) nhưng kết dư viện phí lại tăng cao (đạt trên dưới 20 tỷ/tháng, trong khi đó những năm trước chỉ đạt dưới 10 tỷ/tháng). Đời sống CBVC bệnh viện cũng được cải thiện, nâng cao.
Để đảm bảo tính công bằng, cũng như động viện, khuyến khích CBVC bệnh viện nỗ lực, cống hiến hơn nữa cho Bệnh viện, tại Hội nghị CBVC,LĐ cuối năm 2017, đã thông qua phương thức tính thưởng thi đua (thưởng ABC) mới, phương thức hướng đến trách nhiệm và hiệu quả của mỗi cá nhân đối với công việc,… đặc biệt, với quy chế mới, tập thể, các nhân có thành tích nổi bật có thể được thưởng đến 20.000.000 triệu đồng (hai mươi triệu).
Tiếp theo chương trình, kế hoạch phát triển khoa học, công nghệ, dịch vụ… tại Hội nghị Tổng kết công tác bệnh viện năm 2017, Giám đốc bệnh viện đã định hướng hoạt động công tác bệnh viện năm 2018 và các năm tiếp theo với các chương trình cụ thể:
1. Về cơ sở hạ tầng:
Tranh thủ sự ủng hộ của Thành phố, Sở Y tế, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm Sơ sinh trong năm 2018. Sau Trung tâm Sơ sinh, Bệnh viện tiếp tục triển khai xây dựng khu Điều trị chất lượng cao 9 tầng phía đường Đinh Tiên Hoàng (bằng hình thức liên kết công tư); cải tạo, chỉnh trang lại khu Điều trị 5 tầng cho khang trang, sạch đẹp, đặc biệt là phía mặt tiền của khu nhà.
2. Trang thiết bị:
- Hoàn thiện hệ thống mạng thông tin nội bộ trong năm 2018.
- Đầu tư hệ thống siêu âm đàn hồi mô chẩn đoán ung thư vú, dự kiến trong quý II năm 2018. Đầu tư thêm 02 máy siêu âm 5D cho Trung tâm Sơ sinh khi đi vào hoạt động.
- Hệ thống máy chụp mạch điều trị nút mạch u tử cung.
- Xây dựng kế hoạch tiếp nhận và bố trí lắp đặt số máy móc thiết bị y tế (khoảng 40 tỷ) của chương trình ODA Hàn Quốc đã được Chínhphủ phê duyệt.
- Triển khai xong Trung tâm Chẩn đoán di truyền (các vấn đề về gen) trong năm 2018, để hỗ trợ cho kỹ thuật HTSS-TTTON, phát hiện và điều trị ung thư…
- Đầu tư hệ thống quản lý bệnh viện với các phần mềm thông minh, sẽ tập trung tất cả các hoạt động của Bệnh viện về hệ thống. Hệ thống có tính năng ưu việt như: thư viện thông, có khả năng lưu trữ hình ảnh các loại bệnh, cảnh báo các bệnh lạ, đưa ra phương pháp xử lý để bác sĩ tham khảo, đối chiếu, hội chẩn… Hệ thống cũng giúp bác sĩ có thể dễ dàng tham khảo, hội chẩn với các trung tâm y khoa trong và ngoài nước…
3. Phát triển các kỹ thuật mới:
Trong bối cảnh ngày càng nhiều các bệnh viện, trung tâm sản khoa mở ra trên địa bàn thành phố và cả các tỉnh lân cận, để có được người bệnh đến với Bệnh viện, ngoài cơ sở vật chất, trang thiết bị, tinh thần thái độ giao tiếp ứng xử thì trình độ, kỹ thuật và chất lượng, hiệu quả công việc là yếu tố quyết định. Vì vậy, Bệnh viện phải duy trì và hoàn thiện các kỹ thuật đã có, đã đạt được trong 40 năm qua, đồng thời không ngừng nghiên cứu, ứng dụng những thành tựu mới của y học hiện đại... Trong thời gian tới phải triển khai ngay một số kỹ thuật:
- Siêu âm phát hiện u vú bằng máy siêu âm đàn hồi mô.
- Chẩn đoán di truyền gen
- Nút mạch điều trị u xơ tử cung, u tiền liệt tuyến…
- Xây dựng các nhóm, định hướng chuyên sâu theo các chuyên đề: tiền mãn kinh & mãn kinh, tổn thương CTC, ung thư vú, sàn chậu… để thống nhất trong chẩn đoán, xử trí, ghi bệnh án và nghiên cứu phát triển kỹ thuật chuyên sâu… từ đi sâu, chuyên sâu, dần từng bước bệnh viện phải có các chuyên gia chuyên sâu về từng lĩnh vực. Hiện tại, chúng ta mới chỉ có TS.BS Vũ Văn Tâm, Giám đốc bệnh viện là chuyên gia trong lĩnh vực nội tiết - vô sinh. Bằng uy tín của mình TS.BS Vũ Văn Tâm đã tổ chức được nhiều Hội nghị nghiên cứu khoa học tại Hải Phòng với vai trò chủ trì, đồng chủ trì Hội nghị và được mời là chủ trì nhiều Hội nghị khoa học tại các tỉnh thành khác, từ đó vị trí, vai trò của Bệnh viện được nâng cao, đảm bảo được vị trí là Trung tâm sản khoa của khu vực.
PGS.TS Vũ Văn Tâm, Giám đốc bệnh viện Phụ sản HP phát biểu khai mạc Hội thảo khoa học
4. Kinh tế y tế:
Bệnh viên đã được giao tự chủ về tài chính, vì vậy, để có kinh phí duy trì hoạt động của bệnh viện chúng ta phải thay đổi cơ cấu nguồn thu theo hướng tăng nguồn thu từ các hoạt động dịch vụ. Do đó, các khoa, phòng căn cứ vào chức năng nhiệm vụ của mình phải xây dựng được các gói dịch vụ yêu cầu của khoa, phòng mình, bố trí nhân lực, xây dựng phương án triển khai thực hiện khi được phê duyệt. Phòng Tài chính kế toán là đầu mối, phối hợp với các phòng KHTH, CNTT, VTYT, HCQT… xây dựng giá cho từng gói dịch vụ. Phòng KHTH, TCCB, Điều dưỡng chịu trách nhiệm xây dựng phương án kết nối hoạt động tổng thể các dịch vụ từ đầu vào cho đến đầu ra kết thúc một dịch vụ để đảm bảo sự thông suốt trong quá trình thực hiện dịch vụ.
5. Về nhân lực, đào tạo:
Về nhân lực, đào tạo vẫn là thế mạnh của Bệnh viện trong suốt 40 năm qua, hiện nay chúng ta có nguồn nhân lực dồi dào, trình độ cao: Tiến sĩ: 05, Thạc sĩ: 22, BsCKII: 29, BsCKI: 31, Điều dưỡng ĐH&CĐ: 84… Tuy nhiên với nguồn nhân lực như vậy chúng ta cũng mới chỉ đảm bảo giữ tiêu chuẩn Bệnh viện chuyên khoa hạng I của Thành phố. Với mục tiêu trở thành Trung tâm sản khoa của khu vực Duyên hải Bắc bộ, chúng ta cần có chiến lược đào tạo để phát triển cán bộ của ta trở thành những chuyên gia hàng đầu trong các lĩnh vực chuyên biệt… Hiện tại chúng ta đã có cán bộ hai khoa thuộc hai lĩnh vực kỹ thuật cao là Hỗ trợ sinh sản và Chẩn đoán trước sinh xứng tầm là những chuyên gia thuộc lĩnh vực này, đặc biệt, với chuyên ngành HTSS, cán bộ của ta đã đạt trình độ tương đương với các trung tâm HTSS của hai thành phố lớn TP.HCM và Hà Nội. Với kinh nghiệm có được từ việc đào tạo chuyên sâu cho hai lĩnh vực trên, chúng ta sẽ tiếp tục chọn cán bộ đào tạo chuyên sâu cho các lĩnh vực khác như: Phẫu thuật nội soi; điều trị ung thư vú, CTC; tiền mãn kinh & mãn kinh, sàn chậu…
Để được công nhận là Trung tâm sản phụ khoa của khu vực, chúng ta không chỉ cần có những chuyên gia, những cán bộ có học vị mà phải có cả cán bộ có học hàm, trong suốt hơn 20 năm qua, kể từ khi Giáo sư Lê Điềm, Giám đốc bệnh viện chuyển về Hà Nội năm 1988, đến năm 2012 Bệnh viện mới có TS.BS Nguyễn Văn Học, Phó giám đốc bệnh viện được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư. Nhưng chí chưa đầy 6 năm sau, tháng 3 năm 2018 vừa qua, TS.BS Vũ Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện đã được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư, đây không chỉ là niềm vinh dự, tự hào của riêng hai đồng chí mà còn là niềm tự hào của tập thể CBVC bệnh viện, giúp nâng tầm, vị thế của Bệnh viện trong khu vực.
TS.BS Vũ Văn Tâm, Giám đốc bệnh viện nhân QĐ bổ nhiệm chức danh Phó giáo sư
Bệnh viện bước vào tuổi 40, tràn đầy năng lượng, với cơ chế tự chủ rộng mở dưới sự lãnh đạo, điều hành của tập thể Đảng ủy, Ban giám đốc đứng đầu là PGS.TS Vũ Văn Tâm, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện đã được tôi luyện, thử thách và chứng tỏ được bản lĩnh trong gần 3 năm qua, cùng với sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu của các khoa, phòng, từng cá nhân, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng Bệnh viện sẽ vươn cao, vươn xa, vững vàng với vị thế Trung tâm sản phụ khoa khu vực Duyên hải Bắc bộ, là địa chỉ khám chữa bệnh tin cậy của người dân thành phố và các tỉnh lân cận.
TRUNG TÂM HỖ TRỢ SINH SẢN BỆNH VIỆN PHỤ SẢN HẢI PHÒNG
“NƠI ƯƠM MẦM HẠNH PHÚC”
Vô sinh không chỉ ảnh hưởng tới mỗi gia đình mà còn ảnh ưởng tới toàn xã hội vì vậy tư vấn và điều trị vô sinh đã trở thành một nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản, nhằm đảm bảo hạnh phúc gia đình và sự phát triển hài hòa của toàn xã hội.
Những năm cuối thế kỷ XX, Hải Phòng là thành phố công nghiệp có dân số gần 2 triệu người, trong đó có hơn 300.000 cặp vợ chồng đang trong độ tuổi sinh đẻ. Với tỷ lệ vô sinh khoảng 13%, ước tính sẽ có khoảng 40 ngàn cặp vợ chồng cần can thiệp điều trị. Con số này cho thấy nhu cầu điều trị vô sinh nói chung và áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) của nhân dân thành phố không hề nhỏ. Vì vậy, UBND thành phồ Hải Phòng quyết tâm triển khai thành công kỹ thuật TTTON để chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện cho nhân dân Thành phố và đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã ra đời.
Tập thể khoa HTSS ngày đầu thành lập
Năm 2002, khoa Hỗ trợ sinh sản (HTSS) chính thức được thành lập. Dù ra đời và phát triển trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn nhưng Bệnh viện đã được Thành uỷ, UBND, Sở Y tế quan tâm đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị máy móc phục vụ cho công tác chuyên môn.
Để sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, Ban giám đốc bệnh viện đã mời các chuyên gia đầu ngành Sản Phụ khoa như GS.TS Nguyễn Đức Vy, GS.BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng…tư vấn về cách bố trí sắp xếp khu kỹ thuật hợp lý, với đòi hỏi hệ thống lọc khí sạch đặc thù, máy móc hiện đại, dễ thay thế, nhiệt đới hóa…Đồng thời công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng được chú trọng, đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên cũng được luân phiên gửi đào tạo tại các trung tâm sản phụ khoa uy tín trong và ngoài nước như: bệnh viện Phụ sản Trung ương, bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, Cộng hoà Pháp, Thái Lan, Ấn Độ, Singapore...
Để chắc chắn hơn cho sự thành công và tạo niềm tin cho người bệnh ngay từ đầu, tháng 5/2005, Bệnh viện đã mời GS.TS Nguyễn Viết Tiến - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Trung ương cùng ê kíp các chuyên viên labo, lâm sàng xuống chuyển giao kỹ thuật TTTON cho các bác sĩ, kỹ thuật viên khoa Hỗ trợ sinh sản. Ngày 30/7/2005, bốn bệnh nhân TTTON đầu tiên được hút noãn chuyển phôi. Và thật hạnh phúc, ngày 07/04/2006, hai cháu bé TTTON đầu tiên đã chào đời khỏe mạnh tại Bệnh viện Phụ Sản Hải Phòng trong niềm vui vô bờ bến của gia đình người bệnh cùng các y, bác sỹ, ghi dấu một bước đột phá mới của bệnh viện Phụ sản Hải Phòng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản.
Hai cháu bé đầu tiên ra đời bằng kỹ thuật TTTON tại Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng
Ghi nhận thành công bước đầu đó, tháng 1/2006, Bộ Y tế đã công nhận Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng là cơ sở thứ 6 trong cả nước đủ điều kiện thực hiện kỹ thuật TTTON, tháng 7/2006, các bác sỹ khoa HTSS Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã hoàn toàn làm chủ các kỹ thuật trong điều trị vô sinh.
Như vậy, với sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ y bác sỹ dưới sự chỉ đạo và tạo điều kiện về cơ sở vật chất của Ban giám đốc bệnh viện, cùng với sự giúp đỡ, chuyển giao công nghệ của các chuyên gia đầu ngành, khoa HTSS Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã từng bước hoàn thiện chuyên môn, xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh tiến tới làm chủ kỹ thuật HTSS, phục vụ trực tiếp nhu cầu khám và điều trị vô sinh của nhân dân thành phố Hoa Phượng đỏ.
Công tác đàotạo nguồn nhân lực:
- Từ năm 1999 - 2003, Bệnh viện đã lần lượt gửi các bác sĩ và điều dưỡng, kỹ thuật viên đi đào tạo, cập nhật những kiến thức cơ bản và nâng cao về các kỹ thuật HTSS tại BV Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung Ương, Hội Nội tiết sinh sản Thành phố Hồ Chí Minh (Hosrem).
- Tham dự khóa thực hành: Thiết kế một đơn vị Thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ (2002).
- Tham dự khóa đào tạo theo chương trình ODA về Quản lý Labo Hỗ trợ sinh sản tại Viện trường Rouen - Cộng hòa Pháp (2004).
- Đào tạo về kỹ thuật ICSI tại Ấn Độ (2005), Thái Lan (2007), IVF Vạn Hạnh và An Sinh (2008), Singapore (2013)…
- Đào tạo chuyên khoa Nam học tại bệnh viện Bình Dân (2007).
- Đào tạo nâng cao vai trò Nữ hộ sinh trong Hỗ trợ sinh sản hàng năm.
- Kỹ thuật đông phôi cực nhanh và Hỗ trợ phôi thoát màng tại IVF Vạn Hạnh (2008).
- Trữ lạnh tinh trùng và mô buồng trứng tại Cần Thơ (2010) và HOSREM.
- Hàng năm Khoa đều có các bác sĩ tham dự các hội thảo trong nước, khu vực và quốc tế: HOSREM, LIFE, ASPIRE, UIT, ESPHRE, ASRM…để cập nhật các tiến bộ mới trong lĩnh vực HTSS, như sử dụng Antagonist, bổ sung LH, hỗtrợ giai đoạn hoàng thể, hướng đi mới trong kích thích buồng trứng...
- Sau 15 năm triển khai kỹ thuật TTTON, Khoa hiện đã có nguồn nhân lực: 1 Tiến sỹ, 4 BSCK II, 1 nghiên cứu sinh, 3 thạc sỹ, 5 điều dưỡng đại học…