Sa tử cung là một trong những bệnh phụ khoa khá phổ biến ở phụ nữ sau sinh. Bệnh nếu không được phát hiện chữa trị kịp thời có thể dẫn đến viêm nhiễm, loét âm đạo, sa những cơ quan khác, .... cùng nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
1. Sa tử cung là gì?
Sa tử cung (còn được gọi là sa sinh dục, sa thành âm đạo, sa dạ con) là hiện tượng thường xảy ra ở phụ nữ sau khi sinh, khi thành tử cung tụt xuống vào trong ống âm đạo hoặc tụt ra ngoài âm đạo.
Sa tử cung có thể gặp ở mọi đối tượng phụ nữ, có nguy cơ cao ở các trường hợp sau:
- Phụ nữ sau sinh, phụ nữ sinh con qua đường âm đạo, thời gian chuyển dạ quá lâu, thai nhi lớn.
- Trường hợp phụ nữ sau sinh thường xuyên bê vác nặng khiến đáy bụng co bóp nhiều dẫn đến tổn thương và cuối cùng là xảy ra tình trạng sa tử cung.
- Phụ nữ đang ở giai đoạn tiền mãn kinh.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
2. Dấu hiệu nhận biết sa tử cung
Triệu chứng thường gặp nhất của sa tử cung là những cơn đau bụng lâm râm ở vùng tử cung, kèm theo dấu hiệu xuất huyết trong ổ bụng, nhất là trong thời kỳ mang thai. Tuy nhiên, biểu hiện đau tử cung có thể không đủ hoặc không cụ thể để bác sĩ có thể chẩn đoán bệnh chính xác. Vì trên thực tế cơ thể thai phụ thường sẽ bị đau ở một vài vị trí để thích ứng với thời kỳ mang thai.
Bên cạnh đó còn một số dấu hiệu cụ thể như:
- Tiểu tiện và đại tiện khó khăn.
- Mỗi lần hắt hơi hay cười có thể bị són tiểu.
- Quan hệ có cảm giác đau đớn.
- Ra khí hư có màu trắng loãng hoặc nhầy như nước mũi, đôi khi có thể kèm theo chảy máu âm đạo bất thường.
- Đau lưng vùng thấp.
- Cảm thấy như thể đang ngồi trên một quả bóng nhỏ hay như một cái gì đó rơi ra khỏi âm đạo. Những trường hợp bị nặng có cảm giác có quả bóng phồng ra ở âm đạo.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
3. Nguyên nhân bệnh sa tử cung
Sa tử cung có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:
- Phụ nữ sau sinh bị táo bón hoặc rối loạn đại tiện, dẫn đến tăng áp lực trong ở bụng và gây ra bệnh.
- Chấn thương tại vùng cơ đáy xương chậu, các mô giúp nâng đỡ tử cung hoặc cổ tử cung trong khi sinh. Đặc biệt là khi thai phụ sinh con quá to hoặc thời gian chuyển dạ lâu.
- Dị tật bẩm sinh ở tử cung cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh. Ví dụ như tử cung 2 buồng, kích thước cổ và eo tử cung bất thường,...
- Thai phụ lao động quá sức sau khi sinh, khiến cho các cơ, dây chàng nâng đỡ tử cung bị tổn thương, trong khi các cơ quan này chưa phục hồi hoàn toàn sau sinh, dẫn tới thành tử cung bị sa xuống.
- Can thiệp y khoa trong khi sinh: phẫu thuật nội soi, sinh mổ, bỏ nhau thai bằng tay hoặc sử dụng thuốc oxytocin.
4. Các mức độ của bệnh sa tử cung:
Sa tử cung thường được chia làm 3 mức độ:
• Mức độ nhẹ nhất: tử cung sa xuống, thập thò vùng âm đạo
• Mức độ trung bình: tử cung lộ ra ngoài âm đạo, thân nằm trong âm đạo.
• Mức độ nặng: toàn bộ tử cung sa hẳn ra ngoài âm đạo
Bệnh sa tử cung ngày càng được quan tâm do những bất tiện cũng như ảnh hưởng bệnh mang lại cho người phụ nữ. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm khác. Do đó chị em không nên ngại và âm thầm chịu đựng, mà hãy đến ngay Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng thăm khám để có thể phát hiện và điều trị bệnh kịp thời. Bên cạnh đó chị em cũng nên thăm khám định kỳ 6 tháng / lần để biết tình trạng sức khỏe hiện tại, đồng thời được các bác sĩ dự đoán các yếu tố có thể gây bệnh trong tương lai.
Nhóm Admin