Sảy thai không phải là hiện tượng hiếm gặp và cũng là điều mà không ai, đặc biệt người phụ nữ muốn xảy ra. Vậy sau khi sảy thai bao lâu thì có thể có thai lại được? Cùng Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng giải đáp thắc mắc qua bài viết sau.
1. Sảy thai là gì?
Sảy thai (hay sẩy thai) là cái chết tự nhiên của bào thai trước khi có khả năng sống sót độc lập. Sảy thai là biến chứng thường gặp trước tuần thứ 20 của thai kỳ, với hơn 80% các ca sảy thai xảy ra trước khi thai phát triển được 12 tuần.
Các hình thức sảy thai có thể gặp:
- Sảy thai hoàn toàn: Phôi thai ra khỏi cơ thể bạn trong 1 lần.
- Sảy thai không hoàn toàn: Hiện tượng sảy thai nhưng một phần của thai vẫn còn trong tử cung, cổ tử cung bị giãn hoặc mỏng và các phần của phôi thai sẽ bị đẩy ra khỏi cơ thể dần dần.
- Dọa sảy: Tình trạng phôi thai còn sống, chưa bị bong ra khỏi lớp niêm mạc tử cung.
- Trứng trống: Tình trạng phôi thai không phát triển trong tử cung.
- Sảy thai tái phát: Trường hợp sảy thai ít nhất 3 lần liên tiếp (khoảng 1% các cặp vợ chồng gặp phải tình trạng này).
- Sảy thai ngoài tử cung: Trứng làm tổ tại một nơi khác ngoài tử cung của bạn, thường trong ống dẫn trứng.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
2. Sảy thai bao lâu thì có thai lại được?
Đây là câu hỏi nhiều chị em thắc mắc. Theo các chuyên gia quan trọng nhất là thời điểm người phụ nữ sẵn sàng để quan hệ tình dục sau sảy thai. Xét về mặt thể chất, các chuyên gia khuyến cáo, nên đợi ít nhất 2 tuần sau khi sảy thai mới quan hệ trở lại để ngăn ngừa nhiễm trùng. Thời điểm có thể thụ thai có thể sớm hơn song cũng không thể sớm trước 2 tuần, do đó các cặp vợ chồng không nên quá vội vàng. Để mang thai khỏe mạnh, tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ để được khám và nhận những lời khuyên tốt nhất.
2.1. Trường hợp sảy thai 1 lần
Trong trường hợp này, Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo các cặp vợ chồng nên chờ ít nhất 6 tháng mới nên có thai trở lại. Đây là khoảng thời gian giúp cơ thể chị em phụ nữ hồi phục, lớp niêm mạc tử cung được khỏe lại và sẵn sàng cho một thời kỳ thai nghén mới.
Tuy nhiên, theo công bố trên tạp chí Obstetrics and Gynecology cho thấy, rút ngắn thời gian chờ đợi để có thai lại sau lần sảy thai trước sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và thai nhi. Theo đó, những cặp vợ chồng thử có thai lại trong vòng 3 tháng sau sảy thai cơ hội thụ thai tăng 71%..
2.2. Sảy thai hai lần trở lên
Hầu hết phụ nữ chỉ bị sảy thai 1 lần, sau đó họ sẽ có thai kỳ khỏe mạnh. Tuy nhiên nếu đã sảy thai từ 2 lần trở lên, khả năng cao nguyên nhân do vấn đề di truyền hoặc bệnh lý khác, lúc này chị em tốt nhất nên đi khám để tìm chính xác nguyên nhân.
Nếu không khắc phục được nguyên nhân, nguy cơ sảy thai sẽ tiếp tục đe dọa trong những lần mang thai tới.
2.3. Mang thai trứng
Mang thai trứng là tình trạng một phần hay toàn bộ bánh rau bị thoái hóa thành những túi dịch to nhỏ, dính vào nhau thành chùm giống như chùm nho chiếm toàn bộ diện tích tử cung lấn át sự phát triển của bào thai. Nếu xác định chính xác là thai trứng thì cần xử trí càng sớm càng tốt. Trường hợp trứng chưa sảy thì nạo hoặc hút. Đối với những phụ nữ trên 40 tuổi hoặc không muốn có con nữa thì có thể chỉ định cắt bỏ tử cung nhằm dự phòng biến chứng ác tính. Sau khi hút thai trứng, người bệnh được theo dõi sự co hồi của tử cung, nang hoàng tuyến và nhân di căn.
Nếu quá vội vàng muốn có con ngay sau khi sảy thai, các cặp vợ chồng có thể phải đối diện với nhiều rủi ro như: Cơ thể mẹ chưa phục hồi dẫn đến tình trạng thai nhi thiếu máu, kém phát triển, mẹ bầu dễ bị suy nhược, tâm lý không sẵn sàng. Tất cả đều ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi cũng như tương lai khi trẻ được sinh ra.
Trường hợp mẹ bầu có sức đề kháng tốt và tâm lý hoàn toàn ổn định, mẹ vẫn có thể có thai trở lại nhưng điều này là không hề khuyến khích. Tuy nhiên, trong trường hợp có thai ngoài ý muốn khi vừa sảy thai, để an toàn mẹ bầu nên chăm chút cho bản thân nhiều hơn bằng cách bổ sung dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể, củng cố tinh thần và thăm khám đều đặn theo lịch của bác sĩ.
3. Lưu ý khi mang thai lại sau khi sảy thai
- Tránh hút thuốc và uống rượu.
- Kiểm tra cân nặng: chỉ số BMI từ 22 đến 24 là điều kiện lý tưởng để thụ thai.
- Tránh hấp thụ nhiều cafein: 2 cốc cafe mỗi ngày có nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai.
- Bổ sung đầy đủ axit folic.
- Có thể bổ sung thêm các loại cá như: cá hồi, cá ngừ, cá thu... vào thực đơn hàng ngày vì trong cá có chứa nhiều omega - 3 giúp cải thiện lưu lượng máu và ngăn ngừa đông máu bất thường.
- Cung cấp đủ vitamin D, sắt, kẽm và canxi cho cơ thể thông qua chế độ ăn uống hoặc bổ sung trực tiếp qua viên uống theo chỉ định của bác sĩ.
- Ngoài ra, mẹ nên tránh một số việc như: Kiêng lạnh, không làm việc nặng, kiêng quan hệ trong 3 tháng đầu vì có nguy cơ làm tăng khả năng sảy thai.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
- Xem xét kỹ lưỡng nguyên nhân sảy thai để có biện pháp khắc phục trước khi mang thai lại:
+ Rối loạn hệ miễn dịch.
+ Bất thường nhiễm sắc thể, bệnh lý di truyền.
+ Mang thai khi lớn tuổi.
+ Bệnh lý mạn tính như: tiểu đường, thận, tuyến giáp,...
+ Rối loạn hormone.
+ Tiền sử gia đình.
+ Rối loạn đông máu.
+ Nhiễm độc từ thuốc, hóa chất hoặc thực phẩm.
+ Chấn thương tác động đến thai gây động thai.
+ Bất thường tử cung: viêm nhiễm, dị tật tử cung, phẫu thuật, nạo phá thai nhiều lần.
+ Lao động nặng nhọc, tâm lý áp lực buồn rầu thường xuyên.
+ Bất thường trong phát triển bào thai.
Một trong những điều quan trọng quyết địnhsảy thai bao lâu thì có thai lại được là vấn đề tinh thần. Mẹ nên giữ một tinh thần thoải mái, nhanh chóng loại bỏ nỗi đau cũ để chăm sóc bản thân cũng như thai kỳ tới an toàn hơn.
Nhóm Admin