U xơ tử cung là khối u vùng chậu phổ biến nhất, xảy ra ở khoảng 70% phụ nữ độ tuổi 45. Tuy nhiên, nhiều khối u xơ nhỏ thường không có triệu chứng. U xơ nhỏ phát triển thành các u xơ có triệu chứng. U xơ phổ biến hơn ở những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể cao,độ tuổi tiền mãn kinh
U xơ tử cung là khối u vùng chậu phổ biến nhất, xảy ra ở khoảng 70% phụ nữ độ tuổi 45. Tuy nhiên, nhiều khối u xơ nhỏ thường không có triệu chứng. U xơ nhỏ phát triển thành các u xơ có triệu chứng. U xơ phổ biến hơn ở những phụ nữ có chỉ số khối cơ thể cao, độ tuổi tiền mãn kinh.
Ở mỗi độ tuổi, u xơ tử cung có thể gây ra những ảnh hưởng khác nhau đối với sức khỏe. Cơ bản u xơ tử cung là căn bệnh lành tính, chỉ khi khối u phát triển đến kích thước nhất định, hoặc u xơ nằm chèn ép lên cơ quan khác thì chúng mới đe dọa sức khỏe người bệnh.
1. Tìm hiểu tổng quan về u xơ tử cung.
Nữ giới trong độ tuổi sinh sản, u xơ tử cung có thể khiến hoạt động thụ tinh gặp nhiều khó khăn. Khi khối u bám vào lớp nội mạc tử cung vô tình sẽ gây cản trở hoạt động làm tổ của hợp tử. U xơ cũng khiến cho thành tử cung mất sự ổn định, điều này sẽ làm tăng nguy cơ sảy thai, sinh non trong thai kỳ.
Nữ giới bị u xơ trong giai đoạn tiền mãn kinh sẽ đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn. Do trong giai đoạn này, nội tiết của nữ giới thường xuyên xảy ra rối loạn, sức khỏe giảm sút nên u xơ có tiến triển nhanh và dễ gây biến chứng.
Nữ giới ở giai đoạn mãn kinh, u xơ tử cung trong giai đoạn này ít khi gây ra biến chứng, Do cơ thể người phụ nữ gần như không còn sản xuất ra hormone nữa nên u xơ sẽ thoái hóa dần.. Ngoài ra cũng có những trường hợp u xơ thoái hóa và tróc khỏi lướp niêm mạc gây chảy máu tử cung qua đường âm đạo…
Vậy U xơ tử cung là gì?U xơ tử cung là sự tăng trưởng các mô tế bào lành tính, chúng tăng nhanh về số lượng và hình thành những mụn thịt trong niêm mạc tử cung. U xơ có thể xuất hiện thành một khối riêng hoặc cùng lúc hình thành nhiều nốt mụn thịt nổi trồi lên khỏi tử cung
Trung bình u xơ có thể phát triển từ kích thước vài mm đến vài cm, tùy thuộc vào thời gian ủ bệnh. Kích thước u xơ tử cung sẽ to lên nhưng rất chậm, cũng có thể tăng trưởng nhanh chóng trong một khoảng thời gian ngắn khi người bệnh gặp phải các rối loạn nội tiết hormon estrogen.
2. Nguyên nhân gây u xơ tử cung.
Hiện tại các chuyên gia vẫn chưa tìm ra nguyên nhân tại sao hình thành u xơ tử cung. Tuy nhiên,có một số giả thuyết được đưa ra như: nội tiết tố và gen di truyền là 2 yếu tố có thể khiến bạn dễ mắc u xơ hơn.
2.1 Nội tiết tố
Estrogen và progesterone là những hormone làm cho niêm mạc tử cung của bạn dày lên mỗi tháng trong suốt thời gian hoạt động theo chu kỳ kinh của bạn. Khi lượng estrogen tăng bất thường chúng dường như cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của u xơ. Các khối u có sự kích thích hình thành nên bệnh u xơ tử cung. Khi sản xuất hormone chậm lại trong thời kỳ mãn kinh, u xơ thường teo lại.
2.2 Gen di truyền
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện sự khác biệt di truyền giữa u xơ và các tế bào bình thường trong tử cung, khi tìm thấy có các rối loạn nhiễm sắc thể ở trong khối u.
Ở những gia đình có bà, hoặc mẹ bị u xơ tử cung thì khả năng mắc bệnh ở thế hệ con cháu cao gấp 3 lần so với bình thường. Do vậy các bác sĩ thường khuyến khích phụ nữ thăm khám phụ khoa tổng quát trong độ tuổi 20 – 30 nếu như gia đình có người mắc phải một trong những bệnh phụ khoa này nói chung.
Ngoài ra còn có một số yếu tố được cho rằng làm tăng nguy cơ mắc u xơ tử cung hơn như: tăng giảm cân đột ngột, viêm cổ tử cung và tử cung, stress kéo dài, sinh hoạt tình dục không lành mạnh, quan hệ tình dục quá sớm, mắc bệnh tuyến giáp, có kinh sớm…
3. U xơ tử cung có những loại nào
Dựa vào vị trí của khối u ở tử cung sẽ có các phân loại cụ thể:
- U xơ dưới thanh mạc: Là khối u phát triển từ cơ tử cung hướng ra phía ngoài tử cung, thường tạo khối rõ, có thể có cuống gây xoắn và hoại tử u.
- U xơ trong cơ tử cung: Khối u nằm trong cơ tử cung, thường nhiều khối làm cho tử cung to lên một cách toàn bộ.
- U xơ dưới niêm mạc: Đây là loại u xơ tử cung ít gặp nhất, u phát triển từ cơ tử cung nhưng hướng về phía lòng tử cung, đội lớp niêm mạc lên, có khi to chiếm toàn bộ buồng tử cung. U xơ dưới niêm mạc đôi khi có cuống, có thể thò ra ngoài cổ tử cung gây nhiễm trùng.
Đôi khi, u xơ xảy ra trong dây chằng rộng (trong dây chằng), vòi trứng, hoặc cổ tử cung.
-U xơ tử cung có cuống: Dạng u xơ này đã tách ra khỏi tử cung nhưng vẫn dính lại bởi 1 cuốn nhỏ.
4. Các dấu hiệu, triệu chứng của U xơ tử cung
Đôi khi chị em bị phát hiện u xơ tử cung khi tiến hành khám định kỳ hay siêu âm. U xơ tử cung thường không có triệu chứng, nhưng nếu có sẽ là các triệu chứng sau:
- Kinh nguyệt không đều: Triệu chứng ban đầu của u xơ tử cung có thể là rối loạn kinh nguyệt như: kinh nguyệt kéo dài, máu kinh ra nhiều kèm theo những mảnh mô vụn nội mạc tử cung, xuất huyết bất thường...
- Đau,tức hoặc chướng bụng dưới: u xơ lớn tác dụng lên vùng bụng khiến người bệnh luôn có cảm giác đau vùng bụng, cảm giác như đau bụng kinh. Những cơn đau này có thể kéo dài hoặc chia thành từng cơn.
- Tiểu nhiều, đi tiểu liên tục: Khối u xơ lớn chèn ép lên bàng quang gây ra hiện tượng tiểu nhiều ở người bệnh u xơ tử cung.
- Táo bón: Khối u ngày càng to sẽ chèn ép lên ruột và dạ dày khiến người bệnh gặp phải những vấn đề về tiêu hóa như đầy hơi, táo bón, đau khi đi đại tiện.
- Đau, chảy máu sau khi quan hệ tình dục: Người mắc bệnh u xơ tử cung có thể bị đau khi quan hệ mà không rõ nguyên nhân.
- Khó mang thai: Khi khối u lớn bệnh nhân sẽ cảm thấy như có cục u cứng ở vùng bụng dưới, thiếu máu, chóng mặt, đau đầu, cơ thể mệt mỏi… khó khăn trong việc thụ thai, gây vô sinh hiếm muộn.
5. Các phương pháp chuẩn đoán u xơ tử cung
Bác sĩ sẽ khám vùng chậu của bạn. Nếu có dấu hiệu u xơ, bác sĩ có thể chỉ định bạn làm những xét nghiệm sau:
- Siêu âm là phương pháp đơn giản để có thể phát hiện và chẩn đoán u xơ tử cung. Hầu hết các khối u được phát hiện thông qua siêu âm phần phụ bằng đường bụng, việc nhịn tiểu làm bàng quang đầy nước sẽ giúp bác sĩ siêu âm xác định, chẩn đoán và định vị cũng như đo kích thước u xơ đầy đủ và chính xác hơn. Một số trường hợp u xơ dưới niêm mạc được siêu âm bằng đầu dò âm đạo.
- Xét nghiệm máu: Nếu bạn bị xuất huyết âm đạo bất thường, bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm. Chúng bao gồm công thức máu (CBC) để xem bạn thiếu máu do mất máu mãn tính hay không và các xét nghiệm máu khác để loại trừ rối loạn đông máu hoặc bệnh lý tuyến giáp.
Nếu siêu âm không thể biết nguyên nhân chính xác, bạn sẽ phải thực hiện các cách chẩnđoán hình ảnh khác như:
- Siêu âm tử cung, còn được gọi là siêu âm bơm nước muối, sử dụng nước muối vô trùng để làm rộng buồng tử cung ra, giúp việc quan sát các u xơ dưới niêm mạc và niêm mạc tử cung dễ dàng hơn. Xét nghiệm này có thể hữu ích trong trường hợp bạn bị ra máu nặng khi hành kinh, hoặc ở những phụ nữ chậm có thai.
- Nếu siêu âm, kể cả siêu âm bơm nước buồng tử cung (nếu đã làm), không kết luận được, thì chụp MRI là xét nghiệm hình ảnh chính xác nhất, thường được thực hiện.Chụp cộng hưởng từ (MRI)có thể cho thấy kích thước, vị trí của u xơ,phân biệt giữa u xơ tử cung to với bệnh lý ác tính của cơ tử cung và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
- Soi buồng tử cung: Bác sĩ sẽ đưa một ống soi nhỏ có gắn đèn đi qua cổ tử cung để vào tử cung. Sau đó bác sĩ sẽ tiêm nước muối sinh lý vào để làm rộng lòng tử cung, cho phép quan sát thành tử cung và lỗ mở của vòi trứng.
- Chụp tử cung vòi trứng: sử dụng chất cản quang để quan sát rõ buồng tử cung và vòi trứng trên phim X-quang. Bác sĩ thường chỉ định thủ thuật này khi bạn bị vô sinh. Ngoài việc có thể phát hiện một vài u xơ dưới niêm mạc, nó còn giúp bác sĩ xem vòi trứng có bị tắc hay không.
Những thông tin được cung cấp trong bài không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến, tuân theo chỉ dẫn của bác sĩ.
6. Cách điều trị u xơ tử cung.
Chỉ định điều trị u xơ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, kích thước khối u, các triệu chứng gây khó chịu cho người bệnh. Một số trường hợp phụ nữ bị u xơ tử cung nhưng khối u xơ tử cung kích thước nhỏ, chưa có triệu chứng hay chưa có biến chứng, có thể không cần can thiệp điều trị mà có thể theo dõi bằng phương pháp siêu âm và khám phụ khoa định kỳ mỗi 6 tháng hoặc hàng năm.Ở những người tiền mãn kinh, mãn kinh thông thường khối u sẽ không gây triệu chứng cũng không cần điều trị vì sau khi mãn kinh, khối u sẽ nhỏ đi.
Đối với những khối u có kích thước lớn gây các biến chứng chèn ép, chảy máu, hoặc làm sảy thai liên tiếp cần được điều trị.
Các phương pháp điều trị u xơ tử cung bao gồm: Điều trị nội khoa, can thiệp ít xâm lấn và ngoại khoa.
+ Phương pháp điều trị nội khoa.
Đối với trường hợp có khối u nhỏ, chưa quá lớn có thể chỉ định dùng thuốc nhằm làm giảm các triệu chứng khó chịu, giảm sự phát triển của u xơ, hoặc cả hai.
Dùng thuốc điều trị u xơ tử cung chỉ có tác dụng hỗ trợ tạm thời, các biểu hiện của bệnh có thể quay lại sau một thời gian dùng thuốc. Một số tác dụng phụ khi dùng thuốc điều trị như là đau đầu, khô âm đạo, mất ngủ, giảm ham muốn tình dục…
+ Phương pháp điều trị ngoại khoa (phương pháp phẫu thuật)
Phương pháp điều trị ngoại khoa (phẫu thuật) vẫn là hướng tích cực và triệt để cho những người bệnh u xơ tử cung, việc điều trị nội khoa hiện nay hầu hết đóng vai trò điều trị bổ trợ trước phẫu thuật.Trong đó, phẫu thuật mở được áp dụng với trường hợp u xơ có kích thước to và phẫu thuật nội soi phù hợp với những bệnh nhân có số lượng u xơ ít và có kích thước nhỏ. Với một số trường hợp sau nên áp dụng phương pháp phẫu thuật:
- Khối u xơ phát triển với kích thước lớn.
- Chảy máu tử cung tái phát không đáp ứng điều trị bằng thuốc.
- Khối u kích thước lớn gây chèn ép các cơ quan lân cận như trực tràng, bàng quang.
- Khối u xơ có nguy cơ hoại tử.
- Khối u xơ kèm theo các bệnh lý khác như ung thư nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung.
- U xơ tử cung dưới niêm mạc, khi thăm khám cụ thể, bác sĩ sẽ chỉ định điều trị bằng phương pháp bóc tách nhân xơ hoặc tiến hành cắt bỏ tử cung.
+ Phương pháp điều trị can thiệp ít xâm lấn
Đây là phương pháp can thiệp ít xâm lấn được áp dụng trong thời gian gần đây. Mục đích làm tắc động mạch tử cung hoặc tắc mạch chọn lọc cấp máu cho khối u, làm cho khối u thiếu máu nuôi dưỡng và giảm kích thước, có thể teo nhỏ hoặc hoại tử.
Sau thủ thuật nút mạch, người phụ nữ phục hồi nhanh hơn sau khi cắt bỏ tử cung hoặc bóc nhân xơ. Tuy nhiên tỷ lệ biến chứng và số lần quay lại khám có xu hướng cao hơn. Tỷ lệ điều trị thất bại là 20 - 23%. Trong những trường hợp như vậy, cần phải điều trị dứt điểm bằng phẫu thuật cắt tử cung.
Tốt nhất trong quá trình điều trị u xơ tử cung bạn cần được theo dõi chặt chẽ sự phát triển của khối u theo thời gian. Tùy thuộc vào kích thước, số lượng u xơ, mong muốn mang thai hoặc các triệu chứng của khối u xơ bác sĩ có thể đưa ra các phác đồ điều trị thích hợp.
Trên đây là những thông tin về bệnh u xơ tử cung. Hy vọng những thông tin trên có thể giúp bạn tìm hiểu, trả lời câu hỏi u xơ tử cung là gì, dấu hiệu của bệnh như thế nào và phương pháp điều trị bệnh ra sao. Nếu thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường, bạn nên đi khám càng sớm càng tốt. Khám phụ khoa định kỳ với kiểm tra sức khỏe sinh sản ngay cả khi không có triệu chứng chính là cách phát hiện bệnh sớm nhất và tăng hiệu quả điều trị.
Để giúp bạn phát hiện và điều trị sớm các bệnh phụ khoa khác, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng có các Gói khám phụ khoa dịch vụ yêu cầu, giúp bạn phát hiện sớm các bệnh lý phụ khoa (viêm nhiễm, u nang, u xơ ....) sàng lọc Ung thư cổ tử cung ngay cả khi chưa có triệu chứng.