Ung thư buồng trứng là một trong những căn bệnh nguy hiểm và phổ biến hiện nay. Bệnh xuất phát từ một hoặc cả hai buồng trứng, có thể xảy ra ở mọi độ tuổi và gây tử vong cao cho chị em phụ nữ.
1. Ung thư buồng trứng là gì?
Phụ nữ gồm 2 buồng trứng - một trong những cơ quan sinh sản của phụ nữ, nằm trong khung chậu và có kích thước tương đương hạt thịt. Chức năng buồng trứng sản xuất ra trứng cũng như nội tiết tố nữ gồm estrogen và progesterone.
Ung thư buồng trứng là tình trạng hình thành các khối u ác tính ở một hoặc cả hai buồng trứng do sự phát triển bất thường của các tế bào bên trong. Nếu không điều trị kịp thời, tế bào ung thư sẽ xâm lấn các mô và cơ quan xung quanh, làm mất chức năng sản xuất nội tiết tố, sản xuất tế bào trứng, mang thai của buồng trứng.
Các loại ung thư buồng trứng:
- Ung thư biểu mô buồng trứng: ung thư xuất phát từ các tế bào trên bề mặt buồng trứng >> Hay gặp nhất
- Ung thư tế bào mầm: ung thư từ các tế bào sản xuất ra trứng >> Ít gặp hơn ung thư biểu mô
- Ung thư buồng trứng xuất phát từ các tế bào mô nâng đỡ buồng trứng >> Ít gặp
2. Dấu hiệu ung thư buồng trứng
Cũng như đa phần các bệnh ung thư khác, các triệu chứng của ung thư buồng trứng có thể khó nhận ra, đặc biệt là trong giai đoạn sớm. Phải đến giai đoạn muộn bệnh mới biểu hiện rõ ràng.
Các dấu hiệu cảnh báo ung thư buồng trứng sớm nhất mà chị em cần lưu ý:
- Rối loạn tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy hay táo bón.
- Chán ăn trong thời gian dài, cảm thấy no dù chỉ ăn rất ít.
- Đầy hơi liên tục, kéo dài đến vài tuần kèm theo sưng bụng.
- Đau khi đi tiểu hoặc thường xuyên đi tiểu do tăng áp lực đè ép bàng quang.
- Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Sụt cân đột ngột khi không hề thay đổi chế độ ăn uống hay tập thể dục để giảm cân.
- Chảy máu âm đạo bất thường kèm đau đớn.
- Đau khi quan hệ vợ chồng.
- Đau vùng chậu kèm đau lưng không rõ nguyên nhân.
- Chảy máu nhỏ giọt giữa các kỳ kinh nguyệt.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
3. Nguyên nhân ung thư buồng trứng
Ung thư buồng trứng hiện vẫn chưa tìm ra được căn nguyên chính xác gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng một số yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh:
- Tiền sử gia đình: Nếu có mẹ, chị hoặc em gái ruột mắc ung thư buồng trứng thì nguy cơ bạn mắc bệnh rất cao.
- Tiền sử bản thân: Những người có tiền sử mắc ung thư vú, ung thư đại tràng có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng cao hơn.
- Tuổi: Khả năng ung thư buồng trứng tăng cao theo tuổi, hầu hết xuất hiện ở phụ nữ sau 50 tuổi và tăng cao ở những người trên 60 tuổi.
- Mang thai và sinh con: Phụ nữ đã từng mang thai và sinh con có nguy cơ mắc ung thư buồng trứng thấp hơn so với phụ nữ chưa từng sinh con. Sinh càng nhiều nguy cơ càng thấp.
- Sử dụng thuốc kích thích phóng noãn có thể làm tăng nhẹ nguy cơ ung thư buồng trứng.
- Sử dụng bột talc: Bột talc là một khoáng chất có thành phần gồm magie, silic và oxy. Hợp chất này thường có trong mỹ phẩm, nhất là phấn rôm vì có tác dụng giữ cho da khô thoáng và ngăn ngừa phát ban. Tuy nhiên, nếu cơ quan sinh dục nữ tiếp xúc nhiều với bột talc có thể làm tăng nguy cơ hình thành khối u, ung thư buồng trứng…
- Điều trị hormon estrogen thay thế
4. Giai đoạn phát triển ung thư buồng trứng
- Giai đoạn 1: Khối u vẫn ở bên trong buồng trứng hoặc ống dẫn trứng, chưa lây lan sang các cơ quan khác.
+ GD1A: Ung thư chỉ nằm trong 1 buồng trứng hoặc ống dẫn trứng
+ GD1B: Ung thư ở cả buồng trứng hoặc ống dẫn trứng nhưng không xa hơn
+ GD1C: Ung thư vẫn ở bên trong buồng trứng/ống dẫn trứng và đã phá vỡ bề mặt buồng trứng ra bên ngoài
- Giai đoạn 2: Khối u vẫn còn trong buồng trứng và ống dẫn trứng những đã bắt đầu lan rộng đến các cơ quan lân cận trong xương chậu.
- Giai đoạn 3: Khối u lan rộng hơn nữa, lớn hơn 2cm, thậm chí có thể đã di căn đến các cơ quan xa hơn như gan, lá lách.
- Giai đoạn 4: Giai đoạn cuối, ung thư đã di căn tới nhiều cơ quan khác như lá lách, gan, phổi, não…cũng như các hạch bạch huyết ở háng. Điều trị bệnh ở giai đoạn này rất khó khăn và phức tạp.
Giống đại đa số các bệnh khác, ung thư buồng trứng nếu phát hiện sớm, điều trị hiệu quả từ giai đoạn mới hình thành khối u thì cơ hội sống trên 5 năm có thể lên tới 95%. Tuy nhiên tỷ lệ này còn phụ thuộc các yếu tố khác như tình trạng sức khỏe, tuổi tác, tiền sử bệnh tật,...
Ung thư buồng trứng phát hiện càng muộn tỷ lệ sống càng thấp. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn 2, tỷ lệ sống trên 5 năm chỉ còn 70%. Ở giai đoạn 3 là 39% và cơ hội sống giai đoạn cuối là rất thấp vì khối u đã di căn xa, điều trị khó, hiệu quả điều trị thấp.
Do đó, khi bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu nào nghi ngờ bệnh ung thư buồng trứng hay thuộc đối tượng có nguy cơ mắc cao, bạn nên chủ động khám tầm soát ung thư càng sớm càng tốt. Vì bệnh phát hiện càng sớm, điều trị càng hiệu quả và mang lại cơ hội sống cao cho bạn.
Đến với Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, các bác sĩ chuyên khoa kinh nghiệm dày dặn sẽ tư vấn cặn kẽ, phân tích, giải thích kỹ lưỡng kết quả chẩn đoán cũng như phương hướng điều trị nếu bạn mắc bệnh.
Nhóm Admin ST