Chửa tại vết mổ đẻ cũ là một bệnh lý rất nguy hiểm, có thể dẫn đến nguy cơ vỡ tử cung, xuất huyết tử cung ồ ạt và nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
Chửa tại vết mổ cũ là hình thái làm tổ sai vị trí của trứng, được liệt kê vào danh sách các biến chứng thai sản nguy hiểm. Bệnh hiếm khi gặp, chỉ 1% phụ nữ gặp phải biến chứng này. Người bị chửa tại vết mổ cũ có thể gặp các nguy cơ thai sản nguy hiểm như:
- Băng huyết nếu sẩy thai tự nhiên
- Vỡ tử cung do rau thai xâm lấn thủng tử cung tại vết mổ cũ
- Bắt buộc phải cắt bỏ tử cung để cầm máu, khả năng bảo tồn tử cung rất hạn chế.
- Nguy hiểm đến tính mạng do mất máu quá nhiều.
Chửa vết mổ đẻ cũ nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, thai phụ sẽ không thể giữ lại thai nhi. Do trong quá trình phát triển bào thai ngày càng tăng kích thước, nguy cơ vỡ tử cung là rất cao.
Để điều trị cho những thai phụ chửa tại vết mổ đẻ cũ, các bác sĩ sản khoa thường áp dụng một số phương thức điều trị sau:
- Tiến hành hủy thai trong túi ối
- Nếu khối thai nhỏ, ít mạch máu tăng sinh có thể lấy khối thai ra ngoài bằng cách:
+ Nạo thai
+ Phẫu thuật lấy thai ra ngoài hoặc nội soi buồng tử cung…
Tuy nhiên, các phương pháp này đều có nguy cơ chảy máu rất cao, dẫn đến phải cắt bỏ tử cung. Đây là điều thiệt thòi cho người bệnh, đặc biệt là những người còn trẻ, trong độ tuổi sinh đẻ.
Từ tháng 3 năm 2020, PGS.TS Vũ Văn Tâm - Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hải Phòng đã phát triển kỹ thuật mới, phối hợp giữa kỹ thuật can thiệp mạch gây tắc tạm thời động mạch tử cung hai bên (khối tắc sẽ tan sau 1 tuần, động mạch thông trở lại) + nội soi buồng tử cung can thiệp. Kỹ thuật này cho phép loại bỏ khối chửa không gây chảy máu, tử cung được bảo tồn.
Vào tháng 3/2020, PGS.TS Vũ Văn Tâm đã trực tiếp chỉ đạo và thực hiện kỹ thuật này loại bỏ khối chửa cho bệnh nhân Nguyễn Thu H. 28 tuổi, ở Lê Hồng Phong, Ngô Quyền, Hải Phòng. Bệnh nhân được chẩn đoán khi vào viện: chửa vết mổ đẻ cũ, nứt vỡ vết mổ. Bệnh nhân được xử trí thành công, không phải truyền máu, tử cung được bảo tồn. Từ đó đến nay đã có thêm 13 ca chửa vết mổ đẻ cũ được Bệnh viện xử trí thành công bằng phương pháp này.
Ngày 19/10/2020 vừa qua, Bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Minh T. 41 tuổi, ở Máy Chai, Ngô Quyền, Hải Phòng. Đây là ca bệnh thứ 15. Chị T. có thai lần 3 (đẻ mổ 2 lần) đi khám thai tại phòng khám tư được chẩn đoán: thai 6 tuần, chửa vết mổ, bác sĩ khuyên chị T. nên vào viện ngay để loại bỏ khối chửa tránh nguy cơ xấu có thể sảy ra. Sau thăm khám, chị T. được PGS.TS Vũ Văn Tâm chỉ định: can thiệp mạch gây tắc tạm thời động mạch tử cung hai bên + nội soi buồng tử cung can thiệp.
Ngày 21/10/2020, kíp phẫu thuật do bác sĩ Lê Tiến Minh - Khoa Chẩn đoán hình ảnh tiến hành can thiệp mạch gây tắc tạm thời động mạch tử cung hai bên.
Ngày 23/10/2020, chị T. được PGS.TS Vũ Văn Tâm trực tiếp thực hiện nội soi buồng tử cung xử trí, lấy ra khối chửa. Sau thủ thuật bệnh nhân ổn định, tử cung được bảo tồn. Sau 3 ngày, bệnh nhân được xuất viện.
Có thể nói, phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật can thiệp mạch gây tắc động mạch tử cung hai bên + nội soi buồng tử cung can thiệp là phương pháp “vàng” trong điều trị cho bệnh nhân chửa vết đẻ mổ, bởi nó loại bỏ hoàn toàn nguy cơ chảy máu, bảo tồn được tử cung. Phương pháp này mở ra hướng điều trị mới cho người bệnh chửa vết đẻ mổ, khi mà người chửa vết mổ có xu hướng gia tăng do tỷ lệ đẻ mổ tăng lên.
Đến nay, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng là cơ sở y tế đầu tiên và cũng là duy nhất thực hiện phương pháp này trong điều trị cho người bệnh chửa vết mổ đẻ cũ../.