Xoắn tinh hoàn là bệnh lý nam khoa thường gặp và có những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với những bệnh lý khác. Xoắn tinh hoàn nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, tinh hoàn sẽ bị tổn thương và có thể hoại tử.
1. Tổng quan về xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn là hiện tượng tinh hoàn tự xoay quanh trục gây tắc nghẽn đột ngột thừng tinh, làm giảm hoặc tắc lượng máu đến tinh hoàn, gây đau và sưng. Nếu cứ bị xoắn chặt, tinh hoàn sẽ bị tổn thương và có thể hoại tử. Do đó xoắn tinh hoàn cần được phẫu thuật cấp cứu trong vài giờ đầu. Nếu để lâu hơn, tinh hoàn bị tổn thương vĩnh viễn, ảnh hưởng tới khả năng sinh sản hoặc phải cắt bỏ. Xoắn tinh hoàn có thể xảy ra đột ngột không có lý do hoặc do chấn thương.
Xoắn tinh hoàn được chia làm 2 nhóm chính
- Xoắn ngoài tinh mạc: thường gặp ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh do dây chằng bìu cố định không hoàn toàn vào vách bìu làm tinh hoàn xoay tự do trong bìu.
- Xoắn trong tinh mạc: thường gặp ở thanh thiếu niên, do tinh mạc bám cao vào thừng tinh, cho phép tinh hoàn xoay quanh thừng tinh như quả lắc.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
2. Nguyên nhân xoắn tinh hoàn
Nguyên nhân chính xác dẫn đến xoắn tinh hoàn hiện vẫn chưa rõ, nhưng phái nam có thể lưu ý một số trường hợp sau:
- Tuổi: có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, thường gặp nhất từ 10 - 25 tuổi
- Tiền sử bị xoắn tinh hoàn
- Tinh hoàn không xuống bìu đầy đủ
- Bất thường bẩm sinh
- Khí hậu lạnh
- Phản xạ thừng tinh
- Chấn thương, tập luyện thể lực không đúng cách
3. Biểu hiện xoắn tinh hoàn
Bệnh nhân bị xoắn tinh hoàn thường có các biểu hiện như:
- Đau dữ dội và đột ngột ở một bên tinh hoàn, kéo dài dưới 6 giờ
- Buồn nôn và nôn
- Bìu sưng to, đau bụng
- Tinh hoàn bị xoắn có thể nằm ở vị trí cao hơn bình thường
- Đau bìu xuất hiện đột ngột, có thể hết đau dù chưa điều trị, do sự thay đổi tư thế của bệnh nhân giúp tinh hoàn tự tháo xoắn.
Nếu tình trạng xoắn tinh hoàn quá lâu, không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử tinh hoàn, mất tinh hoàn, nhiễm khuẩn, vô sinh thứ phát do mất tinh hoàn, biến dạng tinh hoàn.
4. Điều trị xoắn tinh hoàn
Để phòng ngừa những tổn thương vĩnh viễn như hoại tử tinh hoàn, phương pháp tốt nhất là phẫu thuật ngay lập tức. Phẫu thuật tháo xoắn tinh hoàn là phẫu thuật ít phức tạp và ít xâm lấn. Phẫu thuật được thực hiện: rạch da bìu; tháo xoắn thừng tinh; khâu một hoặc cả hai tinh hoàn vào bìu để phòng ngừa sự xoay của tinh hoàn. Bạn cần chú ý rằng, xoắn tinh hoàn là một cấp cứu ngoại khoa, bệnh nhân cần được phẫu thuật can thiệp kịp thời.
Thời gian tốt nhất cho điều trị là trước 6 giờ đầu. Trong khoảng thời gian này tỷ lệ điều trị thành công là 90 - 100%. Từ 6 giờ đổ ra đến trước 12 giờ, khả năng cứu được tinh hoàn chỉ còn 50%. Và từ trên 12 giờ đến 24 giờ, chỉ 10% là cứu được tinh hoàn. Trên 24 giờ sẽ không cứu được tinh hoàn, vì lúc này tinh hoàn gần như đã hoại tử và phải cắt bỏ. Đồng thời mổ cố định tinh hoàn còn lại để ngăn ngừa bị xoắn tương tự. Nếu tinh hoàn còn lại khỏe mạnh, đời sống tình dục và khả năng làm cha sẽ không bị ảnh hưởng.
Sau phẫu thuật, người bệnh cần nghỉ ngơi tại giường và có thể cần đến thiết bị hỗ trợ bìu hoặc khố đeo để giảm sưng và khó chịu. Bên cạnh đó cũng nên tránh nâng các vật nặng hay chơi các môn thể thao tiếp xúc.
Tóm lại xoắn tinh hoàn là một cấp cứu cần phẫu thuật sớm để bảo tồn tinh hoàn. Do đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng đau đột ngột vùng bìu, người bệnh cần nhanh chóng đến cơ sở chuyên khoa uy tín để được chẩn đoán một cách chính xác và điều trị kịp thời.
Nhóm Admin ST