Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi quá trình chuyển hóa đường trong cơ thể bị rối loạn trong lúc mang thai. Thông thường, tình trạng này sẽ được phát hiện từ tháng thứ 4 của thai kỳ. Điều trị nền tảng của bệnh là kiểm soát chế độ ăn, tập luyện thể dục và sử dụng thuốc nếu chế độ ăn và luyện tập chưa kiểm soát được đường huyết hoặc không đảm bảo tăng trưởng tốt cho thai nhi. Vậy những thực phẩm nào nên ăn và những thực phẩm nào cần tránh, mẹ bầu cùng Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng theo dõi qua bài viết dưới đây nhé!
1. Dinh dưỡng bữa ăn
Một chế độ ăn lành mạnh đều quan trọng cho tất cả thai phụ.
- Một ngày nên ăn đúng giờ và nên chia nhỏ thành ba bữa cùng hai hoặc ba bữa ăn nhẹ.
- Đảm bảo cơ thể phải được cung cấp 20-35 gram chất xơ hàng ngày. Một số loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ là: bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt, mì ống, bột yến mạch, rau, trái cây...
- Chất bột đường phải cắt giảm xuống mức 50% tổng năng lượng.
- Giới hạn tổng lượng chất béo dưới 40% lượng calo hàng ngày. Chất béo bão hòa nên ít hơn 10% so với tất cả chất béo.
- Ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau để đảm bảo có đủ vitamin và khoáng chất.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
2. Những loại thực phẩm mẹ bầu nên ăn khi bị tiểu đường thai kỳ
Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh, theo dõi chặt chẽ số lượng, loại và mức độ thực phẩm để giúp quản lý lượng đường trong máu một cách hiệu quả.
- Ăn protein cùng với carbohydrate hoặc chọn carbohydrate chứa cả protein. Điều này sẽ giúp cân bằng lượng đường trong máu.
- Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên cố gắng ăn các loại thực phẩm nạc, giàu protein như cá, thịt gà, trứng, đậu hũ, quả đậu, quả hạch, cây họ đậu, hạt quinoa.
- Ăn thực phẩm ít đường là điều rất quan trọng trong chế độ ăn kiêng của bệnh tiểu đường thai kỳ. Lượng đường huyết sẽ được tính bằng cách nhân số gram carbohydrate trong một khẩu phần ăn của một loại thực phẩm cụ thể với chỉ số GI (đường huyết) của thực phẩm đó. Con số này sẽ cho thấy sự tác động của thực phẩm đối với lượng đường trong máu. Thực phẩm có lượng đường huyết thấp, phù hợp với những người mắc bệnh tiểu đường thai kỳ bao gồm:
+ Bánh mì, ngũ cốc nguyên hạt
+ Một số loại rau của như: đậu Hà Lan, cà rốt, đậu xanh, đậu lăng,...
+ Một số loại trái cây như táo, cam, bưởi, đào, lê…
- Ăn thực phẩm có chất béo không bão hòa như dầu oliu, dầu lạc, bơ, cá hồi, cá mòi, cá ngừ, hạt chia và hầu hết các loại hạt
3. Những thực phẩm mẹ bầu khi bị tiểu đường thai kỳ nên tránh
Để hạn chế tác động của bệnh tiểu đường thai kỳ, bà bầu nên tránh những thức ăn và đồ uống có đường. Lượng đường trong máu sẽ tăng lên khi ăn thực phẩm có đường, đặc biệt là những loại được tinh chế và chế biến. Phụ nữ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ nên tránh hoặc hạn chế các loại đồ ăn chứa đường càng nhiều càng tốt.
Một số thực phẩm nên tránh như: bánh quy, bánh pudding, kẹo, nước ngọt, nước ép trái cây thêm đường.
- Hạn chế đồ ăn chứa nhiều tinh bột
Thực phẩm giàu tinh bột có nhiều carbohydrate và có tác động lớn đến lượng đường trong máu. Khi mắc tiểu đường thai kỳ, bà bầu tốt nhất hạn chế ăn các loại đồ ăn sau: khoai tây, bánh mì trắng, gạo trắng, mì...
- Các loại đường và carbohydrate ẩn
Một số loại thực phẩm cho dù không phải là nguồn cung cấp đường hoặc carbohydrate nhưng chúng vẫn có thể chứa một tỷ lệ nhất định. Ví dụ như đồ ăn nhanh, rượu, sốt cà chua...
Một chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý sẽ giúp kiểm soát tốt lượng đường trong máu. Điều chỉnh trong việc ăn uống cùng với một chế độ tập luyện phù hợp sẽ giúp giảm những biến chứng nguy hiểm cho mẹ và thai nhi.
- Không nên lạm dụng nước dừa, nước mía
Trên thực tế có rất nhiều mẹ bầu sau khi đi siêu âm được chẩn đoán nước ối đục liền về nhà mua rất nhiều nước dừa, nước mía uống vô tội vạ với ý định sẽ làm trong ối mà không biết điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và con. Có mẹ bầu chăm chỉ uống nước dừa, nước mía mỗi ngày để trong nước ối nhưng sau 1 tháng thì mọi thứ vẫn y nguyên. Thậm chí có mẹ còn tăng lượng đường trong máu dẫn đến tiểu đường thai kỳ. Và cũng đã có mẹ bầu phải nhập viện cấp cứu do lạm dụng nước dừa dẫn đến bị lạnh bụng, đi ngoài nhiều.
Song song với chế độ ăn uống hợp lý là tăng cường vận động và theo dõi đường huyết thường xuyên. Mẹ bầu cũng nên khám thai định kỳ để các bác sĩ có thể theo dõi tình trạng sức khỏe của cả mẹ và con, cũng như có những điều chỉnh chế độ dinh dưỡng kịp thời.
Nhóm Admin