Xét nghiệm HCG hay còn gọi xét nghiệm beta là xét nghiệm được thực hiện kiểm tra nồng độ HCG trong máu hoặc nước tiểu để phản ánh gián tiếp tình trạng sức khỏe của bào thai.
1. HCG là gì?
Trong bụng mẹ, bào thai được nuôi dưỡng nhờ vào bánh nhau thông qua dây rốn. Bánh nhau có nhiệm vụ làm hàng rào trao đổi chất giữa cơ thể mẹ và thai nhi. Ngoài ra, bánh nhau còn có chức năng nội tiết bằng cách bài tiết ra các hormone điều hòa quá trình mang thai.
Một trong các loại hormone đó là HCG (Human Chorionic Gonadotropin). Đây là hormone có bản chất peptide, được tiết ra từ hợp bào nuôi, có vai trò kích hoạt các tế bào mầm của bào thai phát triển và trưởng thành. Đồng thời, HCG còn giúp kích thích tiết ra hormone sinh dục, hình thành giới tính của thai nhi.
2. HCG có khi nào?
HCG được bắt đầu sinh ra ngay sau khi trứng được thụ tinh và bắt đầu làm tổ trên niêm mạc tử cung. Lúc này, nồng độ HCG sẽ xuất hiện trong máu, tăng nhanh đến lúc đạt nồng độ tối đa là tại thời điểm hai tháng rưỡi. Sau giai đoạn này, lượng HCG sẽ giảm dần đến một mức độ ổn định vào khoảng tháng thứ tư và kéo dài đến lúc sinh.
Về cấu tạo, HCG gồm hai tiểu đơn vị khác nhau, gọi là alpha và beta. Vì tiểu đơn vị alpha giống với chuỗi alpha của FSH và LH, chỉ có tiểu đơn vị beta mới đặc hiệu cho HCG, định lượng nồng độ beta HCG trở thành cơ sở cho định lượng HCG, là mối quan tâm của không chỉ của phụ nữ mong chờ mình có thai mà còn là của bác sĩ sản khoa theo dõi thai kỳ.
3. Xét nghiệm nồng độ beta HCG bằng cách nào?
Ngay sau khi được bánh nhau tạo ra, HCG sẽ nhanh chóng khuếch tán ngược dòng vào máu mẹ và thải nguyên dạng ra nước tiểu. Như vậy, có thể định tính hoặc định lượng #HCG trong máu và nước tiểu của sản phụ. Đây là cơ sở của việc dùng que thử thai có chứa chất phản ứng với beta HCG. Vậy nên xét nghiệm này là dấu hiệu nhận biết sớm nhất của sự mang thai.
Đồng thời, tại bệnh viện, việc đo nồng độ HCG trong máu bằng phương pháp phóng xạ hoặc sinh hóa để xác định tuổi thai cũng như gián tiếp đánh giá tình trạng sức khỏe của thai kỳ.
4. Mối liên quan giữa tuổi thai và nồng độ HCG như thế nào?
Việc định lượng beta HCG cho phép chẩn đoán có thai sớm ngay cả khi chưa có dấu hiệu trễ kinh. Bằng cách đo lường chính xác nồng độ beta HCG với độ nhạy cao, có thể xác định đã thụ thai ngay từ ngày thứ 8, 9 sau khi rụng trứng, tức ngày thứ 22, 23 của chu kỳ kinh nguyệt (áp dụng với phụ nữ có chu kỳ kinh đều khoảng 28 ngày). Sau đó, nồng độ beta HCG tăng lên rất nhanh, tăng gấp đôi chỉ sau 1,4 đến 2 ngày khi hợp tử bắt đầu làm tổ. HCG sẽ đạt ngưỡng cao nhất tại thời điểm ngày thứ 60 đến 70 và giảm dần tới mức thấp nhất, ổn định vào khoảng sau 100 đến 130 ngày.
5. Những ý nghĩa khác của nồng độ HCG
Bên cạnh vai trò có thể xác định tuổi thai, xét nghiệm nồng độ beta HCG trong máu còn giúp theo dõi tình trạng thai kỳ. Khi kết quả đo lượng beta HCG trong máu không tuân thủ theo đường cong sinh lý thông thường, việc mang thai nghi ngờ có vấn đề bất thường.
Nếu sự xuất hiện của HCG trong máu hoặc trong nước tiểu lần đầu đã có bằng chứng mà nay xét nghiệm lặp lại nồng độ HCG thấp, không tăng tương xứng với tuổi thai thì có thể thai đã bị sẩy, thai chết lưu hay mang thai ngoài tử cung.
Ngược lại, nếu nồng độ HCG cao bất thường, nên nghĩ tới khả năng tính tuổi thai bị non tháng, mang đa thai hay có thai trứng, bệnh lý tế bào nuôi...
Xét nghiệm beta HCG chỉ giúp xác định có thai, theo dõi sự phát triển của thai nhi thông qua sự phát triển của bánh nhau, chứ hoàn toàn không phản ánh được gì về giới tính, cân nặng, trí thông minh của thai. Chính vì vậy, các mẹ bầu không nên quá lo lắng về nồng độ beta HCG, không nên theo dõi xét nghiệm liên tục, trong khi sức khỏe của bé yêu còn có thể được đánh giá qua những chỉ số khác, những phương tiện khác. Theo đó, việc cần làm là các sản phụ hãy có một kỳ an thai lành mạnh, kết hợp ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi hợp lý, chuẩn bị sẵn sàng để chào đón bé yêu ra đời.