Mất ngủ khi mang thai là tình trạng mà mẹ bầu nào cũng sẽ gặp phải.
1. Nguyên nhân gây mất ngủ trong thời kỳ mang thai
- Sự thay đổi nội tiết tố
- Đi tiểu đêm nhiều
Khi mang thai, thận của các chị em sẽ phải làm việc nhiều hơn bình thường để lọc máu. Trong 3 tháng đầu, hàm lượng ure tăng cao và nước tiểu được sản xuất ra nhiều hơn. Nhiều bà bầu uống nhiều nước, sữa bầu trước khi đi ngủ nên buồn đi tiểu nhiều vào ban đêm.
Ngoài ra, do tử cung ngày càng lớn lên theo thời gian, sẽ gây áp lực lên bàng quang. Nhu cầu đi tiểu thường xuyên cũng có thể làm cho bạn phải chạy đi vệ sinh nhiều lần vào ban đêm. Đồng thời tử cung lớn cũng có thể làm cho bạn cảm thấy khó thở hơn, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn.
- Chuột rút, đau lưng
Trong suốt thai kỳ, nhiều bà bầu sẽ có hiện tượng bị chuột rút vào ban đêm, đau lưng. Mỏi hông, đùi và bắp chân gây ra những cơn đau nhức. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc khó ngủ, mất ngủ hoặc ngủ không ngon giấc của các mẹ bầu trong những tháng đầu và cuối thai kỳ.
- Ốm nghén gây mất ngủ
Thông thường, bà bầu sẽ bị ốm nghén trong 3 tháng đầu do sự thay đổi các hormone trong cơ thể. Tuy nhiên, có rất nhiều người bị ốm nghén trong suốt thai kỳ. Buồn nôn, chán ăn, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ gây mất ngủ là biểu hiện thường gặp khi bị ốm nghén.
- Táo bón trong quá trình mang thai
Hệ tiêu hóa của bà bầu hoạt động kém hơn khi mang thai dễ dẫn đến tình trạng táo bón, khó tiêu ợ nóng thường xuyên, kể cả ban đêm. Trong 3 tháng đầu, bổ sung thừa dưỡng chất cũng gây ra các thay đổi về hormone, ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa. Cảm giác khó chịu khiến bà bầu bị mất ngủ, khó ngủ.
- Tăng nhịp tim
Tim cần làm việc nhiều hơn trong suốt thai kỳ để bơm máu tới dạ con. Lúc này, nhịp tim sẽ tăng lên gây ra chứng rối loạn giấc ngủ, mất ngủ cho bà bầu.
- Tâm lý lo lắng, căng thẳng
Tình trạng này thường gặp ở những chị em mới mang thai lần đầu, còn nhiều bỡ ngỡ. Bạn có thể lo lắng về sức khỏe của em bé và những thay đổi về cuộc sống của bạn khi có em bé. Những cảm giác này có thể khiến bạn khó thư giãn tâm trí và cả cơ thể. Nếu bạn có những giấc mơ thường xuyên và sống động về sự ra đời và em bé, những giấc mơ này cũng có thể góp phần gây ra chứng mất ngủ.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
2. Mất ngủ ảnh hưởng như thế nào đến mẹ và thai nhi?
- Đối với mẹ
+ Tinh thần không tỉnh táo, thường xuyên mệt mỏi, suy nhược cơ thể, kém tập trung trong công việc và sinh hoạt hàng ngày.
+ Não bị thiếu oxy và dẫn đến một số bệnh lý như nhức đầu, tăng huyết áp.
+ Mất ngủ kéo dài khiến bà bầu khó có thể sinh thường, nguy cơ phải sinh mổ tăng cao. Nếu muốn sinh con tự nhiên thì hãy cố gắng cải thiện giấc ngủ của mình.
+ Một số nghiên cứu cho thấy, bà bầu mất ngủ trong 3 tháng đầu thì khi sinh con, thời gian chuyển dạ sẽ kéo dài hơn bình thường. Điều này khiến bà bầu mệt mỏi hơn khi có những cơn đau chuyển dạ trước khi sinh.
+ Ảnh hưởng tới cả sắc đẹp, da nhanh lão hóa, chảy xệ. Sau khi sinh, cơ thể phục hồi chậm hơn nên ngay từ khi mang thai, hãy chăm sóc cho làn da của mình bằng cách dưỡng ẩm và ngủ đủ giấc.
+ Dễ khiến tâm lý căng thẳng, hay cáu gắt, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm sinh lý. Thậm chí có thể gây ra những bất hòa trong cuộc sống vợ chồng.
- Đối với thai nhi
+ Ảnh hưởng quá trình tuần hoàn máu, thai nhi dễ bị thiếu máu ngay từ trong bụng mẹ.
+ Bắt đầu từ tuần thứ 24, trẻ sẽ phát triển về trí não và giác quan của cơ thể. Nếu bà bầu không nghỉ ngơi hợp lý trong giai đoạn này, trẻ sinh ra có thể bị chậm phát triển, gây rối loạn nội tiết tố.
+ Ảnh hưởng tới sinh hoạt của trẻ sau khi ra đời. Trẻ cũng sẽ hay quấy khóc và thức đêm vì quen với thói quen của mẹ ngay từ khi còn trong bụng.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
3. Biện pháp cải thiện giấc ngủ khi mang thai
- Thức dậy và đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Tránh ngủ bù bằng cách ngủ trưa quá nhiều, điều này có thể khiến bạn khó ngủ hơn vào đêm hôm sau.
- Giữ phòng ngủ tối, yên tĩnh và mát mẻ. Giường luôn phải sạch sẽ và làm cho bạn cảm thấy thoải mái.
- Tránh xem TV hoặc sử dụng điện thoại thông minh hoặc các thiết bị cá nhân khác ngay trước khi đi ngủ. Cất các thiết bị cá nhân của bạn xa giường vào ban đêm.
- Hãy thức dậy nếu bạn không thể ngủ sau 15 đến 30 phút, đừng ép bản thân đi ngủ. Thay vào đó, hãy ra khỏi giường, tắm nước ấm và làm những việc nhẹ nhàng như đọc sách,...
- Hạn chế suy nghĩ, lo lắng trước khi đi ngủ, chia sẻ với chồng hoặc bác sĩ để không gặp phải những cơn ác mộng.
- Hạn chế ăn đồ ăn nhiều dầu mỡ, khó tiêu vào buổi tối.
- Chia các bữa ăn thành bữa nhỏ trong ngày, không nên ăn quá no.
- Tránh các loại trà, cà phê, bia rượu, nước ngọt có ga vì chúng làm mất ngủ, chuột rút nặng hơn.
- Nằm ngủ trong tư thế nghiêng bên trái để tốt cho cả thai nhi, tử cung và thận, cải thiện lưu thông máu đến tim, tránh hiện tượng tim đập nhanh, khó thở.
- Sử dụng gối ôm hoặc gối dành riêng cho bà bầu.
- Nếu không thể ngủ ngon khi nằm, hãy thử ngủ trong tư thế ngồi, kê gối sau lưng hoặc đọc sách, nghe nhạc trước khi ngủ.
- Duỗi thẳng chân và uốn cong bàn chân nếu bị chuột rút khi đang ngủ để giảm đau. Có thể duy trì thói quen này trước khi đi ngủ để hạn chế bị chuột rút vào ban đêm.
- Tập những bài thể dục nhẹ nhàng như yoga, đi bộ, bơi lội...
Nếu những phương pháp tự nhiên không thể cải thiện giấc ngủ, mẹ bầu nên được tư vấn bởi bác sỹ để giúp xác định nguyên nhân và tìm ra giải pháp thích hợp nhất.
Nhóm Admin ST