Theo thống kê cho thấy, cứ 200 trường hợp phụ nữ mang thai có 1 người gặp nhau thai tiền đạo. Nhau thai tiền đạo cũng thường gặp ở những phụ nữ có tử cung phát triển bất thường, phụ nữ đã sinh đẻ nhiều, đã mang thai đôi, thai ba...
1. Nhau tiền đạo là gì?
Nhau tiền đạo là hiện tượng nhau thai bám một phần hoặc toàn bộ ở đoạn dưới tử cung và gây chảy máu vào 3 tháng cuối của thai kỳ cũng như trong chuyển dạ và sau khi sinh.
Trong thai kỳ bình thường, nhau thai bám mặt trước (phía trước thành tử cung), mặt sau (phía sau thành tử cung), phía trên thành tử cung, bên phải hoặc bên trái tử cung. Còn trong nhau tiền đạo, bánh nhau nằm ở vị trí thấp nhất của tử cung và che mất một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, gây xuất huyết trong thai kỳ.
2. Các dạng nhau thai tiền đạo thường thấy
- Nhau tiền đạo bám thấp: khi bờ bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung, chưa đến lổ trong cổ tử cung
- Nhau tiền đạo bám mép: bờ bánh nhau bám đến lỗ trong cổ tử cung nhưng chưa che kín lỗ trong.
- Nhau tiền đạo bán trung tâm: bánh nhau bám ở đoạn dưới tử cung và che kín một phần lỗ trong cổ tử cung.
- Nhau tiền đạo trung tâm: bánh nhau che kín hoàn toàn lỗ trong cổ tử cung.
3. Nguyên nhân bị nhau tiền đạo
Nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng nhau tiền đạo vẫn chưa được xác định rõ ràng. Nhau thai có thể phát triển ở bất cứ vị trí nào mà phôi làm tổ trong tử cung. Khi phôi làm tổ ở phần dưới của tử cung thì nhau thai có thể phát triển từ vị trí này, không dịch chuyển lên phía trên trong thai kỳ, sẽ dẫn đến hiện tượng nhau tiền đạo.
4. Đối tượng có nguy cơ bị nhau tiền đạo
- Sinh đẻ nhiều lần
- Sẹo mổ tử cung do mổ lấy thai, nạo phá thai làm tăng nguy cơ nhau bám vị trí bất thường ở phần dưới tử cung.
- Bị viêm nhiễm tử cung trước đó.
- Bị nhau tiền đạo trong lần mang thai trước. Tuy nhiên, người mang thai lần đầu vẫn có thể bị nhau tiền đạo.
- Nhau thai lớn do mang đa thai
- Phụ nữ lớn tuổi mang thai: mẹ trên 35 tuổi có tỷ lệ mắc nhau tiền đạo là 1,1%, cao gấp đôi so với 0,5% ở phụ nữ dưới 35 tuổi.
- Tử cung có hình dạng bất thường.
- Phụ nữ sử dụng nhiều chất kích thích như hút thuốc lá, làm tăng nguy cơ của nhau tiền đạo ít nhất 2 lần.
- U xơ tử cung cũng là một yếu tố nguy cơ của nhau tiền đạo.
- Tiền sử mắc nhau tiền đạo ở những lần mang thai trước.
5. Biểu hiện của nhau tiền đạo
- Xuất huyết âm đạo bất thường (máu màu đỏ tươi) không gây đau đớn trong nửa sau của thai kỳ.
- Xuất huyết dao động từ nhẹ đến nặng, có thể ít hoặc nhiều.
- Xuất huyết có thể tự hết mà không cần điều trị. Tuy nhiên, có thể tái phát sau vài ngày hoặc vài tuần.
- Một số thai phụ có nhau tiền đạo có thể phải đối mặt với các cơn co thắt đi kèm với xuất huyết.
Do đó, nếu thai phụ bị chảy máu âm đạo khi mang thai bất thường trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối thai kỳ, hãy đến bác sĩ ngay lập tức. Trường hợp chảy máu nặng, cần phải được cấp cứu ngay.
6. Bị nhau tiền đạo nguy hiểm như thế nào đối với mẹ và thai nhi?
Tùy thuộc mức độ chảy máu, thời điểm chảy máu của nhau tiền đạo mà có thể ảnh hưởng đến tính mạng của mẹ và thai
- Đối với mẹ
+ Đối với những trường hợp nhau tiền đạo ra máu nhiều đợt làm cho thai phụ thiếu máu, nhiễm khuẩn, dẫn đến nhiều nguy cơ khi đẻ.
+ Những trường hợp ra máu nghiêm trọng, có thể đe dọa đến tính mạng thai phụ buộc các bác sĩ phải mổ cấp cứu cho dù thai có thể nuôi được hay không nuôi được.
- Đối với thai nhi
+ Mẹ bị chảy máu nhiều gây thiếu máu nên thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng, suy thai.
+ Mẹ bị ra huyết nhiều buộc bác sĩ phải mổ lấy thai sớm để cứu mẹ nên có thể mổ khi thai nhi chưa đủ tháng. Do đó, khả năng thai bị non tháng là rất cao, dẫn đến bé sinh ra dễ bị suy hô hấp, hoặc vì sinh non có thể tử vong.
+ Do bánh nhau nằm ở phần dưới cổ tử cung làm thai nhi khó xoay đầu để di chuyển ra ngoài khi chuyển dạ nên dễ dẫn đến ngôi thai ngược, ngôi thai bất thường như ngôi mông hay ngôi nằm ngang...
7. Phòng ngừa nhau tiền đạo
- Hạn chế có thai lúc lớn tuổi, đặc biệt là khi đã có đủ con.
- Tuân thủ đúng các chỉ định mổ lấy thai giúp hạn chế sẹo tử cung không cần thiết.
- Không hút thuốc lá, tránh hít phải khói thuốc lá thụ động trong khi mang thai
- Đến khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa sản phụ khoa khi có bất kỳ bất thường nào trong quá trình mang thai như ra máu âm đạo, đau bụng dưới
- Nghỉ ngơi và tránh làm việc nặng nhọc
- Khi đã được chẩn đoán nhau tiền đạo vào những tháng cuối, thai phụ cần được nhập viện và theo dõi sát.
Khi thấy có dấu hiệu bị nhau tiền đạo, mẹ bầu nên đi khám để được điều trị kịp thời. Mặt khác, nếu trong quá trình mang thai, bạn chảy máu âm đạo dù được thông báo trước đó không có nhau tiền đạo, đừng chủ quan mà hãy đến ngay cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra và thăm khám kỹ hơn. Vì có thể có những lý do khác làm chảy máu gây nguy hiểm đến bạn và con bạn.
Nhóm Admin ST