Táo bón là dấu hiệu thường gặp ở trẻ nhỏ. Trẻ bị táo lâu ngày có thể dẫn đến nhiều biến chứng xấu và gặp khó khăn trong việc điều trị.
1. Tổng quan táo bón ở trẻ em
Táo bón là tình trạng trẻ đi ngoài phân quá ít, rắn và khô, hoặc khoảng cách giữa hai lần đi ngoài quá lâu. Đối với mỗi trẻ các biểu hiện bệnh cũng không giống nhau.
Hầu hết trẻ em sẽ đi ngoài 1 hoặc 2 lần một ngày. Một số đứa trẻ khác có thể lâu hơn, 2 – 3 ngày mới đi ngoài, không thể áp dụng tiêu chí đi ngoài ít hơn 3 lần/ tuần thì là táo bón như người lớn được. Nếu 3 ngày bé mới đi nhưng phân bình thường, không khô cứng, bé đi dễ dàng thì đây là thói quen đi ngoài thường ngày của bé. Còn với những bé có thói quen đi ngoài mỗi ngày, tự nhiên 2-3 ngày mới đi thì mẹ cần chú ý xem bé có bị táo bón không.
Ảnh minh họa (Nguồn Internet)
2. Dấu hiệu cho thấy trẻ bị táo bón
- Biếng ăn, ăn ít hơn bình thường.
- Khi đi ngoài bé thường phải rặn nhiều, mặt đỏ bừng lên, vã mồ hôi, thậm chí khóc vì đau rát.
- Bé bị táo bón phân thường khô, cứng, dạng xúc xích có nhiều đường rạn trên bề mặt, hoặc lổn nhổn như phân dê. Do phân trở nên cứng và to sẽ cọ xát hậu môn tạo thành các vết nứt gây đau và chảy máu.
- Sờ bụng bé thấy cứng và căng do thức ăn sau khi tiêu hóa không được thải ra khỏi cơ thể. Ngoài ra, bé còn có hiện tượng bị đầy hơi, ăn uống khó tiêu hay xì hơi nặng mùi.
3. Nguyên nhân táo bón ở trẻ
- Một số bệnh lý như suy giáp, bệnh phì đại tràng bẩm sinh, bệnh thần kinh, nứt hậu môn,... Ngoài ra khi uống một số loại thuốc ho, hạ sốt…bé cũng có thể bị táo bón. Hơn nữa khi bị bệnh bé thường mất cảm giác ngon miệng. Việc này khiến bé ăn ít đi, lượng thức ăn ít không đủ để tạo phân.
- Nhịn đi ngoài là nguyên nhân thường gặp nhất ở trẻ bị táo bón. Bé nhịn càng lâu, phân trong ruột càng lâu và to khiến việc đi ngoài gặp khó khăn. Hậu quả là bé có thể bị táo bón mạn tính.
- Việc cho trẻ sơ sinh ăn thức ăn đặc đột ngột, đặc biệt trẻ sơ sinh lần đầu tiên ăn thức ăn đặc, hay cai sữa (bé bị mất nguồn cung cấp nước) cũng có thể gây táo bón.
- Thành phần protein khác nhau trong sữa công thức thường khó tiêu hóa và có thể làm ruột hấp thụ nước nhiều hơn. Khi nước được hấp thụ hết qua các kênh của ruột thì phân bị khô và khó di chuyển ra ngoài.
- Chế độ ăn ít chất xơ cũng dễ khiến trẻ bị táo bón. Chất xơ giúp giữ nước trong ruột già và giúp thức ăn tiêu hóa nhanh hơn. Nếu trẻ ăn nhiều chất đạm, ít chất xơ, ăn không đủ lượng đủ chất sẽ dẫn tới tình trạng táo bón kéo dài.
4. Hậu quả khi trẻ bị táo bón
- Trẻ bị thấp còi, nhẹ cân, tiêu hóa kém, lờ mờ, mệt mỏi: Khi bị táo bón, trẻ dễ dàng bỏ bữa, biếng ăn, lâu dần cơ thể không được hấp thụ các chất dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển cả thể chất lẫn trí tuệ của trẻ.
- Trẻ bị táo bón sợ đi đại tiện, thường nín nhịn, lâu dần phân bị ứ lại trong ruột sẽ càng mất nước, trẻ sẽ bị táo bón nặng hơn, gây ra hiện tượng nứt hậu môn. Nguy hiểm hơn khi các vết nứt trở thành viêm hay áp xe.
- Bé gặp các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, ruột, đại tràng như rối loạn tiêu hóa, bệnh đại tràng, kém hấp thu, rối loạn chức năng vận chuyển ruột…
- Khi gặp căng thẳng hay cố rặn do không thể đi ngoài được dẫn đến trẻ bị trĩ nội, trĩ ngoại hoặc cả hai, gây đau ngứa thậm chí chảy máu.
5. Điều trị táo bón ở trẻ
- Duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học: Khi con bị táo bón, biện pháp đầu tiên mẹ cần nghĩ tới là tăng lượng chất xơ cho bé. Ngoài việc bổ sung chất xơ trong bữa chính, ba mẹ cũng nên cho con ăn/uống thêm sinh tố hoa quả, không nên uống nước ép bởi hầu hết hàm lượng chất xơ tồn tại trên phần thịt của rau củ quả.
- Cho bé uống đủ nước mỗi ngày, phù hợp với từng độ tuổi:
+ Bé 0 - 6 tháng tuổi: Sữa mẹ / sữa bột được pha theo đúng hướng dẫn đã chứa hàm lượng nước cần thiết cho trẻ trong giai đoạn này.
+ Bé 6 - 12 tháng tuổi: Ngoài lượng nước trong sữa, sau mỗi lần ăn mẹ cho bé uống thêm khoảng 2 thìa con nước lọc.
+ Bé trên 12 tháng tuổi: Lượng nước bé cần tối thiểu 400ml/ngày.
- Cho trẻ vận động thường xuyên: Các bé sơ sinh, mẹ cho bé tập các động tác tay chân nhẹ nhàng. Đối với bé lớn hơn khuyến khích bé tham gia các hoạt động ngoài trời hay các môn thể thao, tránh cho trẻ ngồi quá lâu một chỗ.
- Bổ sung vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa: Việc bổ sung lợi khuẩn, vi chất, khoáng chất có lợi như acid amin, kẽm, lysine, taurine, vitamin B6, B12,… có trong sữa chua, rau củ quả, thực phẩm hàng ngày và các chế phẩm men vi sinh giúp bé có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, lập lại hệ cân bằng vi sinh đường ruột, ổn định đường tiêu hoá, giảm thiểu tình trạng táo bón.
- Cho bé đi gặp bác sĩ khi có các dấu hiệu như đau nhiều vùng hậu môn, nứt hậu môn, trĩ kèm các triệu chứng như sụt cân, chán ăn, mệt mỏi, sợ lạnh, sốt, đi ngoài ra máu,...
Nhóm Admin ST